Theo Phương án điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn giữ nguyên hệ thống đường cất hạ cánh cách nhau 365m như hiện nay có khả năng tiếp nhận máy bay loại lớn như Boeing 777, 787, Airbus A350 và sẽ bổ sung một số đường lăn.
Hệ thống sân đỗ máy bay sẽ được nâng lên 80-85 vị trí đỗ. Trong đó có bổ sung hệ thống sân đỗ máy bay dùng chung dân dụng, quân sự tại khu đất 19,97ha đã được Bộ Quốc phòng tạm bàn giao cho Bộ GTVT để đầu tư nâng cấp và khai thác sử dụng.
Ngoài hệ thống nhà ga hiện nay có công suất khoảng 28 triệu hành khách/năm, Bộ GTVT đề xuất xây thêm nhà ga hành khách T4 với công suất khoảng 15 triệu khách/năm để nâng tổng công suất nhà ga hành khách của Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu khách/năm.
Với hàng hóa, sử dụng nhà ga hàng hóa hiện nay với công suất 0,8-1 triệu tấn hàng hóa/năm. Bên cạnh đó, bổ sung khu dịch vụ, kỹ thuật, nhà để máy bay tại khu đất 30ha phía bắc CHK Tân Sơn Nhất...
Tổng diện tích đất của CHK Tân Sơn Nhất do dân dụng quản lý, đất dùng chung do dân dụng quản lý được xác định là 566,66ha.
Trong đó đất khu bay dùng chung do hàng không dân dụng quản lý là 439,59ha, diện tích đất do hàng không dân dụng quản lý là 117,07ha.
Trong tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ GTVT chỉ rõ ngoài các công trình dân dụng, công trình dùng chung dân dụng - quân sự do hàng không quản lý nói trên, Tân Sơn Nhất còn được quy hoạch các công trình hàng không dân dụng trên phần đất quốc phòng gồm: quy hoạch nhà ga lưỡng dụng T3 và một số công trình dịch vụ hàng không trước mắt phục vụ mục đích quân sự và có thể dự phòng phục vụ cho hàng không dân dụng trên khu vực đất khoảng 12,65ha ở phía tây nam khu vực sân đỗ 19,79ha.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao một số quỹ đất quốc phòng để UBND TP.HCM đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống đường giao thông ra vào Tân Sơn Nhất. Diện tích cụ thể sẽ được tính toán trong các dự án của UBND TP.HCM.