Trưa nay 22-7, bão số 3 vào đất liền

(ĐTTCO) - Hôm nay 22-7, tâm bão số 3 (Wipha) sẽ đổ bộ đất liền nước ta. Tại thời điểm bão còn ở vịnh Bắc bộ ngày 21-7, tại Quảng Ninh, Hải Phòng đã hứng chịu mưa to, gió mạnh.

Mưa vượt 600mm

Chiều tối 21-7, bão số 3 đã gây gió mạnh trên diện rộng tại khu vực vịnh Bắc bộ. Đặc khu Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, trong khi Cô Tô và Cát Hải có gió cấp 6, giật cấp 7. Ở thời điểm này, tâm bão ở khoảng 20,9 độ vĩ Bắc và 108,7 độ kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông vịnh Bắc bộ, cách Quảng Ninh khoảng 100km, cách Hải Phòng 220km, cách Hưng Yên 240km và cách Ninh Bình 270km.

Cường độ gió tại tâm bão đạt cấp 9 đến 10, giật cấp 12. Hướng di chuyển chủ đạo là Tây Tây Nam, với vận tốc khoảng 15km/giờ.

Các chiến sĩ Vùng 1 Hải quân giúp người dân Quảng Ninh chằng nhà cửa chống bão. Ảnh: THU BÁU

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia của Việt Nam cũng như các đài khí tượng quốc tế dự báo, khoảng trưa 22-7, tâm bão đi vào đất liền Việt Nam (trọng điểm gió lớn là ven biển Bắc bộ). Các tỉnh ven biển Bắc bộ và Bắc Trung bộ, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa nằm trong tâm bão và hoàn lưu bão số 3. Mưa lớn sẽ kéo dài đến hết ngày 23-7.

Cả vùng Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An hứng lượng mưa từ 200 đến 350mm, có chỗ trên 600mm. Các tỉnh còn lại ở Bắc bộ và Hà Tĩnh có nơi mưa vượt 300mm. Có điểm chỉ trong 3 giờ có thể mưa tới 150mm, dễ gây lũ quét bất ngờ lúc nửa đêm.

Chiều 21-7, bà Nguyễn Thanh Bình, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho biết, bão số 3 không chỉ gây mưa lớn khi đổ bộ mà sẽ hình thành dải hội tụ nhiệt đới khiến mưa kéo dài nhiều ngày sau đó. Các tỉnh miền núi phía Bắc, Thanh Hóa và Nghệ An được cảnh báo là vùng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở, kể cả sau khi bão tan. Bà Nguyễn Thanh Bình cảnh báo: “Sạt lở có thể xảy ra ngay cả khi trời đã tạnh, vì đất đá đã ngấm nước lâu ngày”.

Nhiều nơi sơ tán dân, cấm biển

Trưa 21-7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại cảng cá Ngọc Hải, phường Đồ Sơn (TP Hải Phòng). Theo báo cáo của phường Đồ Sơn, 100% phương tiện trên địa bàn đã được đưa vào nơi tránh, trú bão an toàn. Tổng số du khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ là 1.335 người, trong đó có 55 khách nước ngoài.

UBND TP Hải Phòng cho biết, hơn 6.600 hộ dân với trên 19.700 người đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, cần theo dõi, ứng phó khi bão đổ bộ. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo TP Hải Phòng cần chạy đua với thời gian, khẩn trương sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là vùng ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở, nhà yếu, chung cư cũ…

Tại Hải Phòng, chiều 21-7, ông Bùi Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng, cho biết, đơn vị đã đề nghị UBND các xã, phường, đặc khu tăng tốc kiểm tra tình hình tại các bến phà. UBND Đặc khu Cát Hải đã cấm hoạt động tại bến phà Gia Luận (bến phà nối đảo Tuần Châu với Đặc khu Cát Hải).

Sở Xây dựng TP Hải Phòng cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý cấm hoạt động phà tại: xã An Thành, phà Lại Xuân (vượt sông Đá Bạch thuộc xã Việt Khê), phà Dương Áo (vượt sông Văn Úc thuộc xã Kiến Hưng và xã Hùng Thắng), phà Đồng Bài - Cái Viềng (thuộc Đặc khu Cát Hải).

Trong nội đô TP Hải Phòng, những cây cầu đặc biệt như cầu Hoàng Văn Thụ, Đình Vũ - Cát Hải, Kiền, Bính phải cấm các phương tiện và người đi bộ khi có gió mạnh.

Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an TP Hải Phòng đã huy động hơn 35.400 người hỗ trợ nhân dân ứng phó bão. Lãnh đạo TP Hải Phòng đã lập một nhóm Zalo khẩn gồm toàn bộ 114 chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu và lãnh đạo các sở, ngành tham gia để chỉ đạo, điều hành trực tiếp, xuyên suốt.

Bộ đội biên phòng ở Đặc khu Cô Tô (Quảng Ninh) hỗ trợ người dân trên các lồng bè di chuyển lên bờ an toàn. Ảnh: THU BÁU

Tại tỉnh Quảng Ninh, Đặc khu Cô Tô được xác định là một trong những địa điểm nằm trong tâm bão quét qua. Chính quyền Đặc khu Cô Tô đã thông báo tới 100% cơ sở lưu trú để du khách chủ động rời đảo.

Đến ngày 21-7, đặc khu đã tổ chức 44 chuyến tàu, đưa hơn 8.800 khách du lịch về bờ an toàn. Khắp nơi cấp tập sẵn sàng chống bão: người dân thu dọn cửa hàng, di chuyển thiết bị vui chơi dưới nước lên bờ, tháo dỡ biển hiệu, gia cố công trình để hạn chế tối đa thiệt hại khi bão đổ bộ...

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, ngày 21-7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố có tàu thuyền hoạt động trên vịnh Bắc bộ, yêu cầu huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn hoặc cưỡng chế đưa tàu thuyền về bờ neo đậu an toàn.

Bộ cho biết, đến ngày 21-7, đã có 6 địa phương ra lệnh cấm biển. Trong đó, Quảng Ninh cấm từ 14 giờ, Hải Phòng từ 17 giờ, Hưng Yên 18 giờ ngày 20-7; các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An cũng lệnh cấm biển từ sáng 21-7.

Đến chiều 21-7, dọc dải ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có hơn 29.000 lồng bè, gần 4.000 chòi canh và gần 150.000ha nuôi thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng. Chính quyền các địa phương đã yêu cầu di dời toàn bộ lồng bè, chòi canh đến nơi an toàn từ ngày 21-7.

Đến chiều tối 21-7, bão Wipha sau khi quét qua tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã suy yếu. Cơ quan khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo mưa còn tiếp tục khu vực ven biển Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam và Phúc Kiến đến sáng 22-7.

Trước đó, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, 669.162 người trên khắp tỉnh Quảng Đông đã được sơ tán, bao gồm 12.036 người từ các khu vực ngoài khơi và 657.126 người từ các khu vực trên đất liền. Tại Hong Kong, hơn 400 chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng gần 80.000 hành khách; 26 người nhập viện, 471 cây xanh bị ngã đổ.

Các tin khác