Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, sáng 27-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày dự thảo Báo cáo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”.
Báo cáo nêu trên được thực hiện trên cơ sở báo cáo Chính phủ, 14 bộ, ngành và kết quả giám sát thực tế của 3 đoàn công tác tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 30-6-2019, cả nước có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước (trong đó có 12.915.365 trẻ em nam, chiếm 52,13%; 11.861.368 trẻ em nữ, chiếm 47,87%). Năm học 2018-2019, tổng số học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non và các cấp học phổ thông là 21.394.793 học sinh.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học đều giảm mạnh trong 20 năm qua, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và đến năm 2019 còn 8,3%.
Tuy nhiên qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm, số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn đang còn rất lớn.
Về số lượng trẻ em bị xâm hại, theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó bị xâm hại tình dục có 6.432 trẻ em; bị bạo lực: 857 trẻ; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt: 106 trẻ…
Đáng lưu ý, số trẻ em bị xâm hại có xu hướng gia tăng, riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Hình thức xâm hại phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề và gây bức xúc nhất nổi lên trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số trẻ em bị xâm hại. Bạo lực đối với trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng, trong đó 857 trẻ em là nạn nhân, chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.
Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Số vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo được coi là chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.