(ĐTTCO) - Việc Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch trước sự bất ngờ và không hay biết của Trung Quốc cho thấy, ảnh hưởng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng đang phai nhạt.
Người dân Hàn Quốc xem bản tin truyền hình về vụ thử bom nhiệt hạch của Hàn Quốc |
Hôm 6/1, Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch. Trung Quốc (TQ) sau đó cho biết, họ hoàn toàn không hay biết trước về việc này.
Trang Nikkei dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh phát biểu: TQ ‘trước đó không hay biết gì về vụ thử hạt nhân’. Bà cho biết thêm là Bắc Kinh có thể triệu tập Đại sứ Triều Tiên để trao thư phản đối hành động này của Bình Nhưỡng.
Trong ba lần thử hạt nhân trước đó, Triều Tiên đều thông báo trước cho TQ, nhưng lần này thì không. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao TQ nói ‘kiên quyết phản đối’ vụ thử này và yêu cầu Bình Nhưỡng ‘chấm dứt các hành động làm tình hình xấu hơn’.
Bắc Kinh ‘cam kết giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong khuôn khổ đàm phán sáu bên’, bao gồm Nhật, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc.
Dù cách nói của TQ không thay đổi nhiều kể từ khi Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu vào năm 2006, nhưng rõ ràng là lần này, Bắc Kinh đã thể hiện sự bực mình hơn đối với tình hình ngày càng tệ hơn trong thập kỷ qua.
Quan hệ Trung- Triều đã trở nên lạnh nhạt sau khi Bắc Kinh ban lệnh trừng phạt đáp trả vụ thử hạt nhân tháng 2/2013.
Sau đó, TQ tranh thủ hâm nóng quan hệ, khi cử Ủy viên thường trực Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn tới Bình Nhưỡng tháng 10 năm ngoái để đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên
Chuyến đi cũng nhằm mở lối khởi động lại các cuộc đàm phán sáu bên.
Nỗ lực khôi phục quan hệ một lần nữa thất bại khi ban nhạc nổi tiếng của Triều Tiên hủy buổi diễn và về nước ngay trước giờ trình diễn tại Bắc Kinh.
Vụ thử bom nhiệt hạch diễn ra bất chấp các nỗ lực hàn gắn không thành giữa đôi bên. Nguồn tin ngoại giao cho hay, sự việc này đã khiến Bắc Kinh nổi giận.
Rất nhiều người mong muốn TQ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Mỹ và các nước khác đề xuất.
Trước đó, Bắc Kinh từng ủng hộ nghị quyết trừng phạt do Hội đồng Bảo an đưa ra sau lần Triều Tiên thử hạt nhân tháng 2/2013, đồng thời có các biện pháp riêng, cấm các ngân hàng quốc doanh chuyển tiền cho Triều Tiên và hạn chế các nguồn cung dầu.
Một số chuyên gia nói rằng, Triều Tiên vẫn hy vọng hàn gắn tình thân với TQ. Nhưng việc Bình Nhưỡng quyết định thử bom H thậm chí có thể gây thêm sức ép cho Bắc Kinh trong việc đối phó với các hệ quả về mặt ngoại giao.
Trên trang Tân Hoa Xã, một chuyên gia cho hay Bắc Kinh nên gây thêm sức ép với Bình Nhưỡng bằng cách thực thi các biện pháp trừng phạt hiện tại khắt khe hơn, bao gồm việc tìm kiếm các máy bay và tàu thủy tới Triều Tiên.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến rằng TQ cũng cần cân nhắc tình hình Triều Tiên. Thêm vào đó, nếu hoàn toàn bị cô lập, Triều Tiên có nguy cơ sẽ có những hành động bất cần. Do vậy, không ít chuyên gia nhận định, vào thời điểm này, TQ có lẽ đã hết phương án.