"Sự kết hợp tồi tệ" giữa tăng trưởng chậm và khối nợ khổng lồ của Trung Quốc cùng nhóm nước mới nổi được giới chuyên gia nhận định là nguy cơ lớn với kinh tế thế giới.
Thông điệp này đã được đưa ra trong báo cáo mới công bố - Geneva Report của Trung tâm Nghiên cứu Tiền tệ và Ngân hàng quốc tế (ICMB). Họ cho biết mức nợ trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục tăng lên, đặc biệt ở những nước đang phát triển.
"Trái với suy nghĩ của nhiều người, thế giới vẫn chưa vơi gánh nặng nợ nần. Tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu vẫn đang tăng và lập nhiều đỉnh mới. Bên cạnh đó, vì sự kết hợp chết chóc này, tăng trưởng và lạm phát toàn cầu đều đang thấp hơn kỳ vọng", Vincent Reinhart - một trong các tác giả của báo cáo, từng cựu nhân viên Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết
Báo cáo thường niên Geneva Report lần thứ 16 ước tính trừ lĩnh vực tài chính, nợ toàn cầu chiếm 212% nền kinh tế năm 2013. Trong khi đó, tỷ lệ này năm 2008 chỉ là 174%. Geneva Report cũng chỉ ra trước năm 2008, nợ tích lũy chủ yếu tới từ các nước phát triển, nhưng sau đó lại chuyển hướng sang các quốc gia đang phát triển.
"Vòng luẩn quẩn của việc dùng đòn bẩy tài chính, rồi lại tung chính sách giảm đòn bẩy, kết hợp với tăng trưởng GDP danh nghĩa giảm dần, một là có thể châm ngòi cho giai đoạn thoái nợ khó khăn và chậm chạp. Hai là gây ra một cuộc khủng hoảng khác, xuất phát từ các nước mới nổi, mà nguy cơ cao nhất là Trung Quốc. Theo quan điểm của chúng tôi, việc này đã khiến kinh tế thế giới chưa thể ổn định sau nhiều cuộc khủng hoảng tài chính suốt 2 thập kỷ qua", báo cáo nhận xét.
Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc hiện ở mức 217%, theo Geneva Report. Con số này cao hơn hầu hết các nước mới nổi, song vẫn ở mức thấp so với những nước phát triển như Anh, Mỹ và Nhật.
Mức nợ đang tăng lên ở nhóm 8 nước dễ tổn thương (Fragile Eight), gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Argentina, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Đây là những thị trường mới nổi lớn đang xảy ra bong bóng tín dụng và thâm hụt vãng lai tăng sau thời kỳ nới lỏng định lượng của FED.
Năm ngoái, tất cả các nước Argentina, Nam Phi, Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đều có khối nợ lớn hơn GDP (đã trừ khối tài chính). "Nhóm nước này đang là mối lo chính của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Đây là những quốc gia nhiều khả năng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu", báo cáo cho biết.