Sông Nile, một trong những con sông dài nhất trên thế giới, được hình thành từ hai nhánh sông lớn - Nile Trắng, nhánh phụ lưu dài nhất bắt nguồn từ Burundi và Nile Xanh đến từ hồ Tana, trên cao nguyên Agish Abbay, Ethiopia. Với chiều dài gần 1.500km, đi qua tám nước, Nile Xanh cung cấp đến 80% lưu lượng cho sông Nile.
“Chìa khóa” an ninh quốc gia
Những năm gần đây Nile Xanh trở thành tâm điểm tranh cãi gay gắt giữa ba nước Ai Cập, Sudan và Ethiopia.
Năm 2011, Ethiopia dưới thời thủ tướng Meles Zenawi đã quyết định khởi công xây dựng đập thủy điện mang tên Renaissance (Hồi sinh), cao 145m, rộng gần 1.880km2, sức chứa đến 74 tỷ m3. Dự án được xúc tiến bất chấp những phản đối từ Sudan và nhất là Ai Cập. Một khi hoàn thành, công trình thủy điện này có thể tạo ra 6.450 MW điện năng.
“Mạch máu” sông Nile là nguồn dưỡng cho tất cả các quốc gia nó chảy qua. Ai Cập - quốc gia hạ nguồn, lại có khí hậu sa mạc, nên nước sông Nile vô cùng quan trọng, mỗi bất ổn đều có thể đe dọa đến sự sinh tồn. Nhìn vào các con số sẽ thấy rõ điều này: 98% nguồn cung nước ngọt cho Ai Cập phụ thuộc vào sông Nile; 95% người dân Ai Cập sinh sống bên hai bờ sông Nile; 85% lượng nước sông Nile trông cậy vào Nile Xanh.
Bởi vậy, một dự án siêu đập như Renaissance đặt ra thách thức nhức óc cho Ai Cập, như lời cựu Tổng thống Mohamed Morsi thì “đó là một lời tuyên chiến”.
Với các quốc gia có sông lớn chảy qua, nước ngọt luôn là vấn đề liên quan an ninh quốc gia, là chủ quyền lãnh thổ. Dịch xuống hạ lưu của Nile Xanh chút ít, Sudan đón cả nước của Nile Trắng để hợp lưu tại Khartoum, từ đó tạo ra dòng Nile hợp nhất chảy xuôi nữa đến Ai Cập trước khi đổ ra Địa Trung Hải, nhưng cũng đang lo không kém.
Sudan nhanh chân xây đập thủy điện Roseires cách Hồi sinh có 120km, quy mô nhỏ hơn 2 lần và sức chứa nước chỉ là 7 tỷ m3. Dù chỉ vậy, nhưng Roseires là một trong những trụ cột kinh tế của Sudan, cung cấp điện cho gần 2/3 trong tổng số 35,5 triệu dân. Hồ chứa của nó cũng là nguồn dự trữ nước ngọt sống còn cho nền nông nghiệp và sinh hoạt.
Nhưng tình hình đột ngột thay đổi, khi Ethiopia làm xong giai đoạn 1 hồ chứa trên đập Renaissance và tích được khoảng 3,5 tỷ m3, nước đổ xuống Sudan đã sụt trông thấy.
Lôi kéo
Ai Cập và Sudan đã hợp lực đưa cuộc tranh cãi với Ethiopia ra diễn đàn quốc tế. Theo đề xuất được Sudan khởi thảo, Bộ Tứ gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi sẽ làm trung gian để cùng với Ethiopia tìm gia giải pháp không để Renaissance tác động xấu xuống hạ nguồn.
Nhóm này có trách nhiệm xác lập kịch bản lượng nước tích - xả trong tình huống hạn hán và đặc biệt là cơ chế xử lý một khi có khủng hoảng. Ai Cập và Sudan hy vọng các giải pháp có tính pháp lý quốc tế, nhưng Ethiopia chỉ đồng ý thực hiện cơ chế thông báo định kỳ. Đó là kết quả của vòng đàm phán thứ nhất do Liên minh châu Phi chủ trì, với sự tham gia rất miễn cưỡng của đại diện 3 bên còn lại trong Bộ Tứ.
Mùa mưa năm nay ở khu vực đồng nghĩa với đợt tích nước thứ hai khiến Sudan đang như ngồi trên lửa. Thủ tướng Abddalla Hamdok cảnh báo, 20 triệu dân Sudan, tức khoảng 50% dân số, đang bị đe dọa. Thiếu nước tác động đến sinh hoạt và cũng làm cho đập Roseires không sản xuất đủ điện năng, nhưng thừa nước cũng là mối lo không kém vì có thể dẫn đến lũ lụt. Đó là lo lắng kép với bất cứ quốc gia hạ nguồn nào. Hôm 19/7 vừa rồi, Ethiopia thông báo đã hoàn tất giai đoạn tích nước thứ hai, nâng mực nước lên 13,5 tỷ m3, đủ để họ bắt đầu cho phát điện.
Mỹ cũng đã nỗ lực dẫn dắt một vòng đàm phán nhưng thất bại khi đại diện Ethiopia bỏ về để lại cáo buộc thiên vị. Phật ý, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp lệnh trừng phạt với lý do Ethiopia tích nước (đợt 1) mà chưa có thỏa thuận thỏa đáng với Ai Cập và Sudan, đồng thời hủy quyết định viện trợ 100 triệu USD cho nước này.
Nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây thể hiện sự thay đổi trong chính sách, không gắn các lệnh trừng phạt với việc tranh cãi về đập thủy điện này. Điều đó báo hiệu 2 quốc gia hạ nguồn của dòng Nile Xanh còn gặp nhiều khó khăn, trong khi thời điểm năm 2023 để đập Renaissance hoàn tất (theo kế hoạch) đã đến gần.
Sức mạnh của “thượng nguồn”
Công trình tổng hợp Renaissance gồm đập trữ nước và nhà máy thủy điện ngốn của Ethiopia khoảng 4,6 tỷ USD, với tỷ phần vốn vay hào phóng từ Trung Quốc. Con số từ năm 2013 đã cho thấy, Trung Quốc đồng ý cung cấp ngân khoản 1,2 tỷ USD và sau đó là năm 2017 thêm món vay 652 triệu USD để thúc đẩy dự án.
Nhánh Nile Xanh từ Ethiopia hợp với Nile Trắng ở Khartoum (Sudan), hình thành nên sông Nile chảy xuống Ai Cập. Ảnh: RFI.
Hàng loạt công ty Trung Quốc như Tập đoàn Gezhouba, công ty Thủy điện Voith Thượng Hải, công ty Công nghệ và thiết bị điện trung cũng trúng thầu ở các hạng mục liên quan về xây dựng, hậ tầng đường dây 400 và 500 kilovolt..., theo thông tin trên trang StraitsTimes của Singapore.
Ethiopia đang là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế tốt nhất châu Phi, đồng nghĩa với nhu cầu điện năng rất lớn, có phân tích nói rằng tăng trưởng nhu cầu điện năng là 30%/năm. Chính vì vậy, họ đặt kế hoạch lấp đầy hồ chứa Renaissance chỉ trong 7 năm, vênh quá nhiều so với nhịp độ tích kéo dài 21 năm như Ai Cập và Sudan đề xuất.
Tích nước nhanh đồng nghĩa với việc lưu lượng nước đổ xuống hạ nguồn sẽ giảm mạnh, chắc chắn tác động đến sản xuất nông nghiệp.
Lịch sử sông Nile được thế giới rộng rãi biết đến dường như chủ yếu gắn liền với Ai Cập, hoặc là “lộc trời” của Ai Cập hoặc ngược lại như Ai Cập là “viên ngọc quỹ bên sông Nile”. Sự hùng mạnh của Ai Cập thời gian dài trước đây so với các quốc gia cùng chia sẻ dòng sông còn lại đã dẫn đến nhiều hiệp ước về tỷ lệ phân chia nguồn nước cũng như tạo ra cái gọi là “quyền lịch sử” với dòng sông của nước này.
Nhưng Ethiopia, theo đà tăng trưởng của họ và sự hậu thuẫn của các nước khác cùng muốn dẹp đi “quyền lịch sử” đó, kêu gọi ai cũng có quyền bình đẳng, được làm chủ nguồn nước trên phần lãnh thổ của mình. Đó là tiền đề ra đời của Sáng kiến Lưu vực sông Nile mà Ethiopia cùng với các nước thượng nguồn khác như Kenya, Uganda bên nhánh Nile Trắng đề xuất.
Giới phân tích cho rằng, Ethiopia có tham vọng trở thành một cường quốc thủy điện trong khu vực hay một trong những quốc gia xuất khẩu điện hàng đầu thế giới. Theo Reuters, Ethiopia có tham vọng đầu tư 12 tỷ USD vào thủy điện và sản xuất được 40.000 MW trong vòng 2 thập niên tới.
Ai Cập đang rốt ráo mở một loạt mặt trận ngoại giao để dứt điểm mâu thuẫn với Ethiopia. Hôm 25/6, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, “trao đổi sâu rộng về đập Renaissance”.
Trước đó, ngày 12/6 ông Shoukry gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phản đối kế hoạch tích nước lần 2 của Ethiopia. Trước đó nữa, ngày 31/5, đại sứ quán Trung Quốc tại Cairo nhận đề nghị chính quyền Bắc Kinh gây sức ép để Ethiopia ký một thỏa thuận với các quốc gia hạ nguồn. Cựu đại sứ Ai Cập tại Trung Quốc cũng đề nghị Bắc Kinh tăng cường vai trò giàn xếp một “thỏa thuận sông Nile”.