Số lượng hồ sơ thẩm định ít
Chị Nguyễn Tâm, phụ huynh có con đang học tại Trung tâm Ngoại ngữ CAE (cơ sở Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp) cho biết, chị nhận được thông báo chuẩn bị cho con đi học trở lại từ ngày 8-2-2022. Song, khi chạy ngang chỗ học cũ gồm 2 căn nhà liền kề mặt tiền đường Phan Văn Trị, phụ huynh này tá hỏa bởi cửa đóng then cài, phía trước có treo bảng “Cho thuê nhà nguyên căn dài hạn”.
Liên lạc trung tâm, phụ huynh này nhận được phản hồi, trung tâm vẫn hoạt động bình thường nhưng dùng chung cơ sở với một đơn vị đào tạo khác về toán học và tích hợp. Trước băn khoăn của phụ huynh khi cơ sở mới vừa bị thu hẹp về diện tích, vừa trong tình cảnh “hai trường, một cơ sở”, đại diện trung tâm cho biết, sẽ sắp xếp lại thời khóa biểu các lớp, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Thay đổi địa chỉ hoạt động cũng là tình cảnh chung của nhiều trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống cho học sinh sau nhiều tháng đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Anh Minh Quang, phụ huynh có con đang học vẽ tại Trung tâm Âm nhạc - hội họa và khiêu vũ thiếu nhi UP Academy (quận Gò Vấp) chia sẻ, trung tâm hoạt động trở lại từ ngày 3-12-2021. “Tôi nhận được thông báo trường thay đổi địa chỉ hoạt động từ đầu tháng 12-2021. Chỗ học mới tuy không rộng rãi như cơ sở cũ, nhưng nằm trong khu dân cư yên tĩnh. Trường giảm 20% học phí cho tất cả học viên, xem như là cách để phụ huynh cùng chia sẻ khó khăn với trường”, phụ huynh này cho biết.
Thời điểm hiện tại, số lượng trung tâm hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại quận 1, bà Lê Thị Bình, Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết, phòng GD-ĐT mới tiếp nhận 2 hồ sơ đề nghị thẩm định phương án hoạt động trở lại. Tới đây, phòng GD-ĐT sẽ phối hợp với phòng y tế, trung tâm y tế địa phương đi kiểm tra, thẩm định phương án hoạt động đảm bảo yêu cầu an toàn về phòng chống dịch Covid-19 làm cơ sở tham mưu UBND quận phê duyệt kế hoạch hoạt động của đơn vị.
Tương tự, tại quận Bình Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ngô Văn Tuyên thông tin, tính đến ngày 11-1, địa phương chưa nhận được hồ sơ thẩm định phương án hoạt động của cơ sở giáo dục ngoài giờ nào. Đối với quận Tân Bình, UBND quận đã giao trách nhiệm cho phòng GD-ĐT phối hợp với phòng y tế, trung tâm y tế và UBND 15 phường trên địa bàn quận tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phê duyệt phương án hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống và ngoài giờ chính khóa trước khi tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh.
Cần thêm thời gian chuẩn bị
Lý giải nguyên nhân vì sao các trung tâm ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống dè dặt mở cửa trở lại, ông Ngô Văn Tuyên cho biết, nếu hoạt động trở lại, ngoài đội ngũ giáo viên giảng dạy, các trung tâm phải tuyển dụng thêm số lượng lớn nhân viên phục vụ gồm: bảo vệ, bảo mẫu, vệ sinh. Nếu số lượng học sinh đi học trực tiếp hạn chế sẽ ảnh hưởng đến bài toán thu, chi của các đơn vị. Ngoài ra, theo Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống không có lực lượng phục vụ cơ hữu như trường phổ thông nên cần thêm thời gian chuẩn bị về nhân lực nếu có kế hoạch hoạt động trở lại.
Thêm vào đó, một số yêu cầu khi dạy học trực tiếp trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, như: có phòng theo dõi học sinh có biểu hiện nghi nhiễm, bố trí nhân viên y tế, khu vực rửa tay thường xuyên cho học viên, giữ khoảng cách an toàn giữa hai học sinh… theo bộ tiêu chí an toàn trường học, cần thêm hướng dẫn từ cơ quan quản lý, bởi đây là những quy định mới chưa từng triển khai trước đó tại các trung tâm ngoại ngữ, tin học và giáo dục kỹ năng sống.
Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm thành phố thông tin, thời điểm hiện tại, học sinh các trường phổ thông đang chuẩn bị bước vào kỳ kiểm tra đánh giá cuối học kỳ 1 nên tâm lý phụ huynh, học sinh chưa sẵn sàng cho việc đi học trực tiếp ở các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Mặt khác, nhiều trung tâm đang duy trì ổn định hình thức dạy học trực tuyến, nếu chuyển qua dạy học trực tiếp phải sắp xếp lại thời khóa biểu cho học viên.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng đề nghị phòng GD-ĐT 21 quận, huyện và TP Thủ Đức thường xuyên tham mưu, phối hợp với các đơn vị có liên quan đi kiểm tra, đảm bảo cơ sở giáo dục ngoài giờ chính khóa đáp ứng đủ các điều kiện an toàn trước khi mở cửa hoạt động trở lại. Trong đó, cơ sở giáo dục phải chủ động chuẩn bị các phương án, quy định số lượng và quy mô dạy học phù hợp với cấp độ dịch tại địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh các ca nhiễm trong trường phổ thông đang có xu hướng giảm, cơ sở giáo dục không nên chủ quan, lơ là trong công tác tổ chức đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh mà tiếp tục nâng cao cảnh giác, nghiên cứu các hình thức tổ chức học tập cho học sinh theo nhóm nhỏ để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học.