Theo đó, lãnh đạo UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn chỉnh lại phương án thiết kế, lưu ý không bố trí vị trí đậu xe máy, không làm mái che dọc các công trình nhà liền kề hiện hữu vì không đảm bảo an toàn kết cấu và tính toán lại vị trí phù hợp cho người đi bộ, người tàn tật.
Sau đó, gửi Sở GTVT, Ban Quản lý đường sắt đô thị và UBND Q.1 góp ý, triển khai thực hiện. Ban Quản lý đường sắt đô thị có trách nhiệm rà soát kinh phí tái lập tuyến đường, thực hiện công tác tái lập theo hợp đồng đã ký với nhà thầu và từng bước hoàn trả giao thông trên tuyến.
Song song đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục phối hợp đơn vị tư vấn đoạt giải "Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành" để chuẩn bị nội dung về ý tưởng thiết kế đô thị, không gian ngầm toàn tuyến phố thương mại thuộc trục đường Lê Lợi và nhà ga Bến Thành, báo cáo UBND TP trong tháng 4.
Trước đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất thiết kế cảnh quan đường Lê Lợi theo 3 giai đoạn. Trong đó, gai đoạn 1, chủ yếu duy trì tuyến giao thông Lê Lợi như trước, điều chỉnh vỉa hè hai bên cho đồng bộ, kết hợp trồng lại cây xanh,tái lập lại vỉa hè, lề đường, thiết kế bổ sung lối dẫn đường cho người tàn tật…
Giai đoạn 2, hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của toàn bộ trục đường hướng tới việc nghiên cứu đề xuất giải pháp thiết kế không gian cảnh quan đảm bảo việc kết nối định hình toàn bộ không gian công cộng kết hợp với không gian ngầm, thương mại dịch vụ theo định hướng quy hoạch được duyệt; Nâng cấp các tiện ích nhằm khuyến khích người đi bộ sử dụng xe công cộng và thương mại hai bên trục đường.
Ở giai đoạn 3, mở rộng ranh nghiên cứu và thực hiện ra các dãy nhà dọc hai bên đường Lê Lợi với mục đích ưu đãi về mặt hệ số sử dụng đất, tầng cao, khoảng lùi để khuyến khích thương mại dịch vụ và thu hút đầu tư.
Trong suốt gần 6 năm rào chắn phục vụ thi công ga ngầm Bến Thành, từ một tuyến đường thông thoáng, sầm uất, san sát cửa hàng, tấp nập người qua lại, đường Lê Lợi đã trở thành một trong những điểm đen ùn tắc giao thông của TP. Không những thế, loạt cửa hàng, hộ kinh doanh tại khu vực này gần như “đứng hình” ngồi chờ metro xong để giải tỏa lô cốt, tiếp tục buôn bán.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (Maur - chủ đầu tư), hiện gói thi công nhà ga trung tâm Bến Thành đạt hơn 95% khối lượng sau gần 6 năm thi công. Dự kiến, trước 30/4, mặt bằng trên đường Lê Lợi phục vụ thi công ga Bến Thành (metro số 1) được tái lập và hoàn trả. Đây là đợt hoàn trả mặt bằng cuối cùng của dự án metro ở trung tâm quận 1.