Trường Sơn còn kết nối với miền xuôi qua dòng sông Long Đại với những dòng thác lớn nhỏ đầy tính mạo hiểm phiêu lưu. Dân trong vùng nói tên các dòng thác lạ lẫm như Chà Lụa, Tam Lu, Oong Bờng, Nước Đắng, Hôi Rấy… Suối đẹp nhiều như Chà Rào, Chà Cùng, Rào Bồ, Khe Cóc… Còn núi cao đẹp phải kể núi Voi, Yên Ngựa, Chông, bên trong đó có hang động Rào Mây, Chà Rào, Chà Cùng, Hiểm... dài hàng cây số.
Lên Trường Sơn, nếu may mắn, bạn sẽ được nhà nghiên cứu bản địa Nguyễn Văn Tráng đưa đi xem các con suối mát lừng như suối Chà Rào, Chà Cùng. Hay ngắm các ngọn núi buổi ban mai và hoàng hôn đều đẹp như núi Voi, Yên Ngựa, núi Chông.
Theo nhà bản địa Nguyễn Văn Tráng: “Trường Sơn là vùng đất nhiều danh lam thắng cảnh, vì xa trung tâm, xa ánh sáng đô thị nên sự nguyên sơ còn bảo lưu tốt nhất để phát triển du lịch sinh thái. Rồi sau này, nơi đây sẽ là địa chỉ thu hút du khách vì sự mới mẻ ít người đặt chân”.
Nếu gặp được già Hồ Thao sẽ được nghe kể rằng nơi đây có đến 100 thác nước lớn nhỏ và vô số con suối chảy chằng chịt trong hệ thống khối núi đá vôi rộng lớn đến 783km2.
Lên với Trường Sơn, nếu may mắn sẽ gặp được bà Hồ Thị Con ở bản Bến Đường với tay nghề làm chiếc tẩu đựng lửa đẹp lạ kỳ bằng đất sét nung đen. Chiếc tẩu được anh em Vân Kiều đặt tên là Ku Tẻ. Theo bà Hồ Thị Con, ngày xưa chốn nào có người Vân Kiều sinh sống thì ở đó có người làm Ku Tẻ giữ lửa, nhưng duyên phận làm ống tẩu ấy thật kỳ công và phải khéo tay. Không phải người phụ nữ nào cũng làm được, phải được truyền đạt từng ngày, có trí thông minh, kiên nhẫn, chịu khó học hỏi mới có thể lành nghề. Vì nó khó để tạo ra nên người biết làm Ku Tẻ ngày càng mai một dần và nay người Vân Kiều ở Quảng Bình, Quảng Trị hay Vân Kiều ở Lào đều dựa vào sản phẩm Ku Tẻ của bà Hồ Thị Con.
Bà Hồ Thị Con cho biết, khi tròn 16 tuổi, mẹ bà đã cầm tay chỉ việc cho bà làm Ku Tẻ. Làm dần hồi trở thành quen và thân thuộc, và từ đó ăn vào tiềm thức giữ lửa cho bản làng Vân Kiều. Làm quen, thành thạo nên nâng lên thành nghệ thuật, bởi mỗi ống tẩu không hề giống nhau. Mỗi chiếc là một tâm trạng riêng.
Ngồi chơi mới biết, bà Hồ Thị Con là một người trồng thành công giống nếp đen của người Vân Kiều trên núi xa. Bà cất công đi tìm giống lúa ở Lào, về trồng và thu hoạch thành công. Món cơm bà đãi trưa hôm ấy là gạo nếp đen cùng gà bản ngon lạ lùng. Nếu gắn bó với Trường Sơn đủ lâu, bạn sẽ biết những nghề đan lát, điệu hát cổ xưa mê lòng như cảnh sắc biên viễn hùng vĩ nơi này.
Để minh chứng cho vùng đất đẹp, UBND xã Trường Sơn cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình đã bước đầu đồng ý cho phép tạm thời khai thác sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên Chà Rào – Chà Cùng, đây là nơi có phong cảnh đẹp, là điểm hấp dẫn du khách trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: “Việc được phép khai thác tạm thời sản phẩm khám phá thiên nhiên suối Chà Rào - Chà Cùng không chỉ mang đến sự trải nghiệm đáng nhớ cho du khách khi đến với núi rừng Trường Sơn mà còn góp phần khai thác tiềm năng du lịch sinh thái nơi đây, mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng để giúp đồng bào Bru-Vân Kiều thoát nghèo bền vững".