Đã có 6 chủng của viruscorona xuất hiện tại Việt Nam. Nếu đối chiếu với con số 99 chủng của viruscorona trên thế giới, chúng ta vẫn còn may mắn. Tuy nhiên, ngăn chặn sự thâm nhập của chủng mới là nhiệm vụ cực kỳ cam go. Nhất là trong thời gian gần đây, nhiều người Trung Quốc đã vượt biên trái phép vào Việt Nam.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết: Từ đầu năm đến nay đã có 504 người Trung Quốc nhập cảnh không tuân thủ quy định pháp luật, đã đi vào 27 tỉnh thành, như Đà Nẵng có 78 trường hợp, An Giang 4 trường hợp, Bắc Ninh 35 trường hợp, TPHCM 12 trường hợp, Lai Châu 36 trường hợp, Lạng Sơn 29 trường hợp, Quảng Ninh 126 trường hợp và Tây Ninh 32 trường hợp.
Chỉ riêng từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 8, lực lượng biên phòng và cơ quan công an các địa phương đã phát hiện 21 vụ vi phạm với 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Trong đó, đã khởi tố 5 vụ với 19 người Việt Nam và 1 người Trung Quốc về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.
Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày 4-8 đã mở phiên tòa lưu động tại thành phố Móng Cái để xét xử vụ án tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Cáo trạng cho thấy, đối tượng Voòng A Sủi cùng đồng phạm đã đưa những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Đông Hưng-Trung Quốc đến Móng Cái-Quảng Ninh bằng bè xốp vượt sông biên giới, rồi dùng xe máy đưa về trung tâm thành phố và nội địa của Việt Nam. Mỗi vụ trót lọt, đối tác Trung Quốc trả tiền công cho nhóm của Voòng A Sủi 4.000 nhân dân tệ/người (hơn 13 triệu đồng). Bản án nghiêm khắc đã được đưa ra, các đối tượng bị kết án 2-6 năm tù giam.
Để khống chế sự lây nhiễm đến từ bên ngoài, việc quản lý biên giới lại được quan tâm hàng đầu. Các chuyến bay quốc gia trên đường không và các chuyến tàu quốc tế trên đường biển, có thể ngăn chặn dễ dàng và hiệu quả, nhưng làn sóng nhập cảnh trái phép bằng đường bộ vẫn là thách thức không đơn giản.
Từ khi Ban Biên giới Chính phủ được chuyển thành Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao, công tác phân giới cắm mốc được triển khai rất tích cực và đã hoàn thiện cơ bản. Chúng ta chủ trương xây dựng biên giới với các quốc gia láng giềng bằng tinh thần hòa bình, hữu nghị và hợp tác, nên ứng xử với đường biên giới trên bộ luôn đòi hỏi sự khéo léo và uyển chuyển.
Địa hình Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương nên chúng ta có đường biên giới trên bộ giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia, với tổng chiều dài 4.639km. Trong quá trình hội nhập quốc tế, không chỉ kiên định gìn giữ tấc đất tấc vàng của cha ông, còn phải đạt được mục đích kết nối giao thương. Vậy, bài toán đặt ra làm sao vừa đảm bảo an ninh quốc gia thời toàn cầu hóa vừa thiết lập quan hệ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống người dân khu vực biên giới nói riêng và cả xã hội nói chung.
Đường biên giới trên bộ của nước ta được củng cố bởi nhiều cơ sở pháp lý như Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam… Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan tràn, chúng ta chủ động đóng cửa biên giới để đẩy lùi viruscorona. Đó là hành động kịp thời và đúng đắn.
Tuy nhiên, khu vực biên giới có không ít đường mòn dân sinh và lối mở tự phát. Cơ quan công an nhiều địa phương đã bắt giữ hàng chục người Trung Quốc xâm nhập trái phép trong thời gian qua, chính là hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm khắc để chúng ta phải cẩn thận hơn nữa. Chốt chặn quyết liệt ở biên giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khoanh vùng và dập dịch nhanh chóng đạt kết quả như mong đợi.
Siết chặt quản lý đường biên giới trên bộ để ứng phó Covid-19, không có nghĩa là chúng ta đóng cửa hoàn toàn với những hoạt động giao thương. 7 tỉnh biên giới phía Bắc có gần 30 cửa khẩu, riêng Lạng Sơn có 9 cửa khẩu. Phục vụ giao thương chủ yếu tập trung ở các cửa khẩu nổi tiếng sầm uất như Hữu Nghị, Chi Ma, Đồng Đăng, Bình Nghi, Móng Cái… các biện pháp giám sát được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc.
Còn những cửa khẩu vắng vẻ hơn như A Pa Chải, Ma Lù Thàng, Bản Vược, Sín Mần, Pò Peo, Ha Hình… cần sự hợp tác chặt chẽ giữa bộ đội biên phòng và đội ngũ hải quan, quyết liệt triệu tiêu các kế hoạch đưa người nhập cảnh không tuân thủ đúng quy định vào Việt Nam. Chúng ta không kỳ thị bất kỳ ai, nhưng chúng ta cẩn trọng và nghiêm khắc với những biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra.
Không đáng quan ngại như biên giới phía Bắc, nhưng đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Lào lại kéo dài qua 10 tỉnh. Hàng hóa giao thương với Lào không nhiều, nhưng khu vực biên giới lại hiểm trở tạo cơ hội ẩn nấp cho nhiều loại tội phạm nguy hiểm.
Địa bàn xung quanh các cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Nam Giang, A Đớt, Lao Bảo, Cha Lo, Cầu Treo, Nậm Cắn, Tén Tằn, Lóng Sập, Tây Trang… dù không nóng bỏng, nhưng vẫn diễn ra không ít hoạt động táo tợn của bọn buôn bán ma túy và đưa người vượt biên trái phép. Do vậy, đường biên giới trên bộ với Lào khoảng hơn 2.000km vẫn phải chịu áp lực của những đối tượng “đi tắt” có ý đồ thâm nhập vào các tỉnh ven biển miền Trung.
Còn đường biên giới trên bộ với Campuchia cũng giáp 10 tỉnh của Việt Nam, từ Kon Tum đến Kiên Giang. Dịch Covid-19 ở Campuchia vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy các cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, Chàng Riệc, Hoa Lư, Bình Hiệp, Dinh Bà, Thông Bình, Tịnh Biên, Giang Thành… cũng phải tăng cường kiểm soát theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Đường biên giới trên bộ không chỉ là lằn ranh phân định quốc gia, còn là nơi thể hiện tình đoàn kết và hợp tác. Tiêu chí bình đẳng và 2 bên cùng phát triển luôn được đề cao đúng mức. Thế nhưng, để chung sống trong thế giới đang bị tác động bởi dịch bệnh và những âm mưu khác, sự tôn trọng lẫn nhau rất quan trọng.
Bởi lẽ, chủ động bảo vệ đường biên giới trên bộ, không chỉ vun đắp lợi ích quốc gia, còn củng cố cuộc sống bình yên cho mỗi người dân. Cửa khẩu rộng mở cho thiện chí giao thương và trao đổi văn hóa, nhưng cửa khẩu không hoan nghênh những hiện tượng trốn chui trốn lủi mang theo mầm bệnh khủng khiếp hoặc tai ương quái ác.