Điều đáng nói là thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh. Với tâm lý thị trường còn khá yếu thì diễn biến thiếu ổn định này là dễ hiểu, dù trên thực tế, giới phân tích đánh giá mức định giá P/E đang ở mức hấp dẫn, trong bối cảnh GDP quý II/2022 cao nhất trong một thập kỷ qua, tăng 7,72%; nền kinh tế hồi phục sau đại dịch vẫn duy trì tốt…
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường lại mở ra tia hy vọng cho nhà đầu tư khi lực cầu gia tăng đầu phiên giúp VN-Index một lần nữa vượt ngưỡng 1.200 điểm ngay khi mở cửa.
Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh để kéo VN-Index bứt hẳn khỏi ngưỡng cản này. Dù nhận được sự hỗ trợ từ nhóm ngân hàng, chứng khoán, nhưng áp lực bán mạnh từ các mã lớn của nhóm dầu khí và thép khiến VN-Index rung lắc trong suốt phiên chiều và đóng cửa với sắc đỏ nhạt.
Đáng chú ý trong phiên chiều nay là dòng tiền đầu cơ hoạt động mạnh, hướng tới các mã có tính thị trường cao, đặc biệt là họ FLC khi ngoại trừ GAB vẫn như thường lệ không cùng nhịp đập với anh em của mình, còn lại đều khoác sắc tím khi đóng cửa phiên hôm nay.
Ngoại trừ FLC có phiên tăng thứ 10 liên tiếp, dù chịu áp lực chốt lời mạnh trong 3 phiên trước đó khi có 6 phiên tăng trần liên tiếp, các mã khác như ROS, HAI, AMD, ART đã giảm từ phiên 29/6, nhất là phiên 30/6 đồng loạt giảm sàn. Tuy nhiên, sau nhịp hồi nhẹ phiên cuối tuần trước, tất cả đã trở lại với sắc tím trong phiên hôm nay.
Có thể thấy, dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng với nhiều nhà đầu tư, lượt sóng ở nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ, có tính thị trường vẫn có sức hấp dẫn và đó chính là lý do nhóm này luôn có những con sóng bất ngờ mà không ảnh hưởng hay liên quan gì tới hoạt động của doanh nghiệp.
Chốt phiên, sàn HOSE có 228 mã tăng (13 mã tăng trần) và 219 mã giảm (5 mã giảm sàn), VN-Index giảm 3,37 điểm (-0,28%) xuống 1.195,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 442,82 triệu đơn vị, giá trị 10.086,82 tỷ đồng, giảm 17,07% về khối lượng và 11,66% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 1/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 39,5 triệu đơn vị, giá trị 1.163,9 tỷ đồng.
Nhóm VN30 điều chỉnh nhẹ khi giảm chưa tới 4 điểm khi có 11 mã tăng và 17 mã giảm. Cổ phiếu SSI thu hẹp biên độ nhưng vẫn là mã tăng tốt nhất với biên độ 2,5%, đóng cửa đứng tại mốc 20.200 đồng/CP.
Các mã tăng tiếp là VNM tăng 1,9%, MBB tăng 1,7%, STB tăng 1,6%, KDH tăng 1,4%, BVH tăng 1,1%...
Trái lại, MWG là mã giảm sâu nhất khi để mất 3,6%, kết phiên đứng tại mức 67.800 đồng/CP với thanh khoản khá sôi động khi có tới gần 5,2 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Cổ phiếu PNJ tiếp tục nới rộng biên độ giảm, ghi nhận phiên mất điểm thứ 3 liên tiếp sau thông tin có thể bị loại khỏi rổ VN30 trong kỳ tới đây. Kết phiên, PNJ giảm 3,4% xuống mức 123.800 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh sức nóng của HAG, họ FLC tiếp tục nối dài chuỗi ngày khoe sắc tím. Cụ thể, ROS, FLC, HAI, AMD đều trong trạng thái dư mua trần khá lớn, với FLC dư mua trần 6,7 triệu đơn vị, ROS dư mua trần 5,5 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số mã khác trong nhóm này cũng đua trần thành công như LCM, OGC, PTC, VAF.
Xét về nhóm ngành, trong các nhóm trụ cột, chứng khoán vẫn là điểm sáng hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường với HCM đóng cửa giữ được đà tăng trần, AGR tăng 6,1%, VIX tăng 5,5%, CTG tăng 4,4%, VCI tăng 3,5%, VND tăng 3,2%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng không khởi sắc như dòng chứng khoán nhưng sắc xanh vẫn là chủ đạo. Trong đó, VIB dự kiến sẽ thay PNJ trong rổ VN30 đã có phiên giao dịch bùng nổ với đà tăng mạnh mẽ cả về giá và thanh khoản. Kết phiên, VIB tăng 6,81% lên mức giá trần 24.300 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 4,23 triệu đơn vị, gần gấp đôi mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây, đạt hơn 2,3 triệu đơn vị.
Trong nhóm ngân hàng, chỉ có duy nhất CTG giảm 1,3%, cùng BID, SSB, TPB, EIB, OCB đứng giá tham chiếu, còn lại đều đóng cửa trong sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu thép vẫn giao dịch giằng co nhẹ với HPG giảm 1,8% xuống mức giá thấp nhất ngày 22.000 đồng/CP và khớp hơn 12,44 triệu đơn vị; HSG và NKG đóng cửa tại tham chiếu, SMC và TLH tăng nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng, nhiều mã lớn và vừa như VHM, NVL, BCM, PDR, KBC, NLG… đóng cửa giảm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất là thủy sản. Bên cạnh ANV đóng cửa giảm sàn, các mã khác trong ngành giảm khá sâu như IDI giảm 3,6%, ACL và VHC cùng giảm 2,9%, CMX giảm 2,7%...
Trên sàn HNX, thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm trong suốt cả phiên chiều nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip.
Chốt phiên, sàn HNX có 103 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 2,31 điểm (+0,83%) lên 281,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 46,89 triệu đơn vị, giá trị 813,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,1 triệu đơn vị, giá trị 89,31 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX là điểm sáng với MBS tăng 5,1%, SHS tăng 3,4%, BVS tăng 2,7%... Trong đó, SHS vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về thanh khoản khi khớp 6,44 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác trong rổ HNX30 cũng tiếp sức cho xu hướng tăng của thị trường như IDC tăng 1,65%, HUT tăng 1,5%, PVS tăng 1,2%, NTP tăng 1,1%...
Trái lại, trong nhóm HNX30, cổ phiếu TNG bất ngờ bị bán mạnh trong phiên chiều và kết phiên giảm 3,6%, xuống vùng giá thấp nhất trong ngày 29.600 đồng/CP; còn lại DXP, CEO, L14, PLC… giảm trên dưới 1%.
Cổ phiếu ngân hàng NVB sau phiên giảm mạnh sáng nay đã lấy lại thăng bằng và kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 31.000 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi trong họ FLC là KLF và ART đều đóng cửa tại mức giá trần với thanh khoản cùng thuộc top 5 dẫn đầu, đạt 3-4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên, thị trường lại quay đầu và nới rộng biên độ giảm hơn về cuối phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,31%), xuống 87,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,31 triệu đơn vị, giá trị 437 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,92 triệu đơn vị, giá trị 26,69 tỷ đồng.