TTCK: Dòng tiền đang rút khỏi nhóm đầu cơ

(ĐTTCO) - Diễn biến của thị trường trong những phiên giao dịch cuối tuần qua cho thấy dòng tiền đang chảy mạnh vào nhóm CP cơ bản. Đây có thể xem là tín hiệu dòng tiền sắp rút khỏi nhóm CP đầu cơ sau thời gian dậy sóng. 
TTCK: Dòng tiền đang rút khỏi nhóm đầu cơ
 “Rùng mình” với hàng nóng 
Sau chuỗi tăng trần 5 phiên liên tục, từ 24.200 đồng/CP lên gần 34.000 đồng/CP, mã TGG (Louis Capital) liên tục bị bán tháo và kết thúc phiên giao dịch ngày 26-11 xuống còn hơn 30.000 đồng/CP.
Như vậy, NĐT mua trần mã CP này ở mức 33.800 đồng/CP ở phiên giao dịch 3 ngày trước đã lỗ 10%. Tuy nhiên, những NĐT mua đỉnh TGG trong ngày 23-11 vẫn may mắn hơn nếu so với những người đã ôm hàng trong tháng 9 ở mức hơn 74.000 đồng/CP. 
Cùng chung số phận với TGG là các cổ đông “đu đỉnh” ở những mã CP có liên quan tới nhóm Louis này, như SMT (Samtel), BII (Loius Land), DDV (Vinachem) hay TDH (Thuduc House), AGM (Agimex).
Sau thông tin hàng loạt lãnh đạo cao cấp của TDH bị bắt vì hành vi trốn thuế, mã CP này bị giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua, xuống chỉ còn 11.600 đồng/CP. Với mức giá này, NĐT mua TDH trong tháng 9 với giá trên 15.000 đồng/CP lỗ 30%. 
Điều đáng nói, nhóm CP này trước đó còn giao dịch ở mức giá rất thấp do kết quả kinh doanh bết bát. Đơn cử, mã TGG thời điểm đầu năm 2021 là 1.170 đồng/CP và đang nằm trong diện bị kiểm soát. Với mức tăng đạt hơn 70 lần trong vòng 9 tháng, TGG là mã CP tăng mạnh nhất trong thời gian ngắn của TTCK.
Sóng tăng của TGG bắt đầu từ khi xuất hiện nhóm cổ đông lớn là CTCP Louis Holdings. Sau khi nắm cổ phần chi phối, Louis Holding đổi tên TGG từ CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang thành CTCP Louis Capital.
Đầu tháng 9, TGG đã tổ chức ĐHCĐ bất thường với sự tham gia của ông Đỗ Thành Nhân đến từ Louis Holdings, tư cách là thành viên HĐQT. 
Lý giải với cổ đông về mức giá của TGG thời điểm này, ông Nhân cho biết giá trị của TGG thể hiện qua chất lượng của các công ty TGG đã và đang đầu tư. Cụ thể, hệ sinh thái Louis với TGG đóng vai trò hạt nhân, đã và đang tích cực triển khai các thương vụ M&A để mở rộng sang các lĩnh vực giàu tiềm năng, như bất động sản, viễn thông, dịch vụ tài chính, nông nghiệp. Không chỉ phát biểu chính thức tại ĐHCĐ, trước đó ông Nhân còn liên tục “phím” giá của nhóm CP mà TGG dự định thâu tóm trên Facebook cá nhân.
Đây là lý do khiến nhiều NĐT, đặc biệt NĐT F0, bất chấp rủi ro để lao vào nhóm CP Louis. Đơn cử, dù dùng tiền đi thâu tóm nhưng TGG vẫn đang kinh doanh khá bết bát (năm 2020 lỗ 43 tỷ đổng), dòng tiền kinh doanh âm, kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Đáng chú ý, TGG, TDH và BII đều nằm trong danh sách CP bị cảnh báo và kiểm soát, do lợi nhuận năm 2020 âm. Đặc biệt, sau khi “vẽ” ra viễn cảnh tươi đẹp về hệ sinh thái Louis, ông Nhân bất ngờ bán hết cổ phần rút khỏi HĐQT TGG.
Thế nhưng, bất chấp những khuyến cáo, nhiều mã đầu cơ vẫn chưa có dấu hiệu dừng tăng. Điển hình là mã SJF (Sao Thái Dương). Dù nhận được nhiều cảnh báo nhưng kết thúc phiên giao dịch ngày 26-11, mã này tiếp tục tăng trần lên 24.100 đồng/CP.
Sóng tăng của SJF đã bắt đầu từ giữa tháng 9 với mức giá thời điểm này 4.000 đồng/CP, nhờ tin đồn khả năng Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sẽ thâu tóm công ty con của SJF là BWG Mai Châu, thông qua việc sản phẩm ván ép có thể làm tấm lót sàn container.
Thông tin này sau đó bị HPG phủ nhận vì BWG Mai Châu chưa đạt yêu cầu, mẫu mới thử lại chưa có kết quả. Đồng thời, HPG cũng nhấn mạnh việc không có ý định M&A hay tham gia quản trị công ty nào về sản xuất ván tre gỗ ép.
TTCK: Dòng tiền đang rút khỏi nhóm đầu cơ ảnh 1
CP tốt dần được… thừa nhận
Trong “cơn điên loạn” của nhóm CP đầu cơ, CP của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt lại bị bán ra và giảm mạnh. Đơn cử, nhóm ngành ngân hàng và thép bị bán tháo xuất phát từ những thông tin nợ xấu tăng trong quý III do tác động của chính sách giãn cách xã hội và giá thép thế giới sụt giảm mạnh.
Thế nhưng, trong 2 phiên giao dịch 24 và 25-11, khi VN Index liên tục thiết lập điểm số lịch sử, nhóm CP lớn đóng góp rất lớn vào đà tăng của chỉ số. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 26-11, nhóm CP thép bật tăng mạnh, trong khi nhóm CP đầu cơ bị bán tháo và giảm sâu. 
Theo giới phân tích, việc nhóm CP có kết quả kinh doanh tốt bị bán ra đến từ 2 nguyên nhân: khối ngoại bán ròng và tin xấu bị “thổi phồng” để gom hàng giá rẻ. Đơn cử là những thông tin gây lo ngại liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Theo CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), việc nợ xấu tăng ở quý III trong bối cảnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt có thể kiểm soát được.
Thậm chí, trong kịch bản xấu nhất khi tất cả nợ tái cơ cấu đều chuyển thành nợ xấu cũng không gây rủi ro cho hệ thống NH như giai đoạn 2012-2014. Đợt giảm giá vừa qua đã đẩy giá CP ngân hàng xuống mức hấp dẫn với mức trung bình 1,8x P/B dự phóng 2021 và 1,5x P/B dự phóng 2022.
Đây là mức định giá thấp so với mức ROE cao các NH tạo ra (trung bình là 18,5%). “Không những vậy, hầu hết NH hiện đang giao dịch ở mức định giá trung bình 5 năm, trong khi ROE đã cải thiện đáng kể so với mức ROE cao nhất trong 5 năm qua. Kỳ vọng dòng tiền vào CP vua sẽ hồi phục từ quý I-2022” - theo MBKE.
Với ngành thép, CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo phân tích với những thông tin tích cực. Cụ thể, trong tháng 10 ngành thép (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) sản xuất 17,4 triệu tấn thép (tăng 11,4%), tiêu thụ 16,7 triệu tấn (tăng 9,7%), trong đó xuất khẩu đạt 4,8 triệu tấn (tăng 75,4%).
Thị trường trong nước phục hồi đã thúc đẩy doanh số ống thép tăng mạnh và hỗ trợ sản lượng tiêu thụ tôn mạ duy trì ở mức cao. Các nhà sản xuất ống thép bán được khoảng 264.000 tấn (tăng 19%). Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ tôn mạ tại thị trường nội địa tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 205.000 tấn; sản lượng xuất khẩu giảm từ 378.000 tấn trong tháng 9 xuống 307.000 tấn trong tháng 11, nhưng vẫn cao hơn 79% so với cùng kỳ.
Việc dòng tiền rút khỏi nhóm CP đầu cơ khiến thanh khoản của UPCoM trong những phiên giao dịch gần đây sụt giảm khá mạnh, từ mức đỉnh hơn 5.000 tỷ đồng/phiên xuống dưới mốc 3.000 tỷ đồng phiên. 
 Mã TGG của Louis Capital được xem là bị thổi phồng từ giá 1.170 đồng/CP từ đầu năm tăng vọt 74.000 đồng/CP vào tháng 9, bất chấp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Các tin khác