Quy định mới của Trung Quốc về yêu câu tàu nước ngoài báo cáo khi đi vào "lãnh hải" có thể nhằm áp dụng với các đảo, cấu trúc mà nước này yêu sách trái pháp luật trên Biển Đông
Khối lượng hơn 5.000 tỷ hàng hóa được đưa qua Biển Đông mỗi năm. Trung Quốc dùng cái gọi là “đường 9 đoạn” để yêu sách hầu khắp Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Chưa rõ bằng cách nào và ở khu vực nào Trung Quốc sẽ thực thi quy định mới này. Cục An toàn hàng hải Trung Quốc tuyên bố trong một thông báo rằng “những người vận hành tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở lượng lớn dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và những chất độc hại khác phải báo cáo thông tin chi tiết khi đi vào lãnh hải của Trung Quốc”, Thời báo Hoàn cầu đưa tin.
Thông báo nói rằng ngoài những tàu trên, bất kỳ tàu nào có vẻ “gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc” cũng sẽ phải báo cáo thông tin về tên, biển báo, vị trí hiện tại, cảng sắp đến và thời gian dự kiến cập cảng. Các tàu sẽ phải báo cáo thông tin về loại và trọng lượng hàng hóa đang chở.
Báo này dẫn lời các nhà quan sát nói rằng “việc triển khai những quy định hàng hải đó là dấu hiệu cho thấy nỗ lực gia tăng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia của Trung Quốc trên biển bằng cách áp dụng những quy định chặt chẽ để tăng cường khả năng nhận dạng trên biển”.
“Sau khi đi vào lãnh hải của Trung Quốc, các tàu không cần báo cáo tiếp nếu hệ thống nhận dạng tự động hoạt động tốt. Nhưng nếu hệ thống nhận dạng tự động không hoạt động bình thường, tàu sẽ báo cáo 2 giờ một lần cho đến khi rời đi”, thông báo nói.
Thời báo Hoàn cầu lưu ý rằng Cục An toàn hàng hải “có quyền xua đuổi hoặc từ chối cho tàu nào đó đi vào lãnh hải của Trung Quốc nếu tàu đó có vẻ gây đe dọa cho an ninh quốc gia của Trung Quốc”.
Phải chờ xem Trung Quốc sẽ thực thi những quy định này như thế nào. Một số quan chức Ấn Độ nói rằng Bắc Kinh thường tìm cách thực thi yêu sách của mình trước việc các tàu quân sự nước ngoài đi lại trong vùng biển gần những đảo, đá và cấu trúc mà nước này có yêu sách.
Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, các quốc gia chỉ có quyền thiết lập lãnh hải 12 hải lý quanh các đảo đủ điều kiện. Quy định mới của Trung Quốc có thể bị coi là không phù hợp với UNCLOS, vì văn bản được coi như hiến pháp về biển và đại dương này quy định các quốc gia “có quyền đi lại vô hại trong lãnh hải”.