Sáng 7-2, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng tối và đêm nay 7-2, không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng tới khu vực Đông Bắc bộ, sau đó lần lượt lan tỏa tới Bắc Trung bộ, Tây Bắc bộ và một số nơi ở Trung Trung bộ (vào ngày 8-2).
Các chuyên gia khí tượng nhận định, đợt rét đậm này ở miền Bắc có thể không mạnh bằng đợt cuối tháng 1
“Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở khu vực Bắc bộ phổ biến từ 11-130C (dưới ngưỡng rét đậm đến rét hại), vùng núi Bắc Bộ từ 8-100C, vùng núi cao có thể dưới 50C; còn Bắc Trung bộ khoảng 15-170C”, cơ quan khí tượng cảnh báo.
Như vậy, rét đậm rét hại tái xuất ở miền Bắc và Bắc Trung bộ ngay trước Tết Nguyên đán và dự báo tiếp diễn sang những ngày đầu xuân mới. Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc có thể đón Giao thừa trong giá rét.
Dự báo Hà Nội có thể đón giao thừa trong trời rét, mưa phùn
Rét đậm ở khu vực Đông Bắc bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 9-2. Dự báo chiều mùng 1 và 2 Tết, miền Bắc hửng nắng trở lại. Từ mùng 3 Tết lại có mưa phùn, mưa xuân.
Từ ngày 9-2, khu vực Quảng Trị đến Bình Định có mưa rào rải rác, cục bộ có mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Chiều tối 6-2, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công văn số 48 gửi các tỉnh ở miền Bắc, Bắc Trung bộ và các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.
Công văn đề nghị thông báo cho nhân dân ở vùng rét đậm chủ động phòng tránh, trong đó tập trung hướng dẫn việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, không dùng bếp than tố ong sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người; phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản và sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, do rét đậm rét hại, đã có tình trạng một số gia đình đốt than tổ ong hoặc than củi trong phòng kín để sưởi, dẫn đến ngộ độc khí, tử vong. Đồng thời, gia súc ở nhiều nơi bị chết rét.
Ban Chỉ đạo quốc gia cũng đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.