Theo quy định, tới ngày 31/12/2021, khoảng 200.000 xe kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sang đầu năm 2022 sẽ bị phạt nặng. Thế nhưng đến nay, tại nhiều địa phương, tỷ lệ xe lắp camera vẫn rất thấp.
Số xe lắp camera vẫn thấp
Là doanh nghiệp có 150 phương tiện phải lắp camera giám sát theo Nghị định 10, ông Đào Việt Dũng, Giám đốc Công ty xe điện Hà Nội cho biết Công ty đã lắp đặt xong camera và giúp giám sát hoạt động của lái, phụ xe khi có sự cố đồng thời góp phần nâng cao ý thức của lái xe, giảm tai nạn giao thông.
Ông Dũng cho rằng, khi lắp camera xong, hàng tháng đơn vị vẫn phải bỏ tiền bảo dưỡng sửa chữa, chi trả chi phí đường truyền. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đây cũng là khoản chi khá lớn. Do vậy, doanh nghiệp mong sẽ được hỗ trợ thêm chi phí đường truyền hàng tháng để giảm bớt khó khăn.
Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp vận tải như Công ty xe điện Hà Nội. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố có 16.056 đơn vị kinh doanh vận tải. Tính đến hết ngày 15/12 vừa qua, đã có 6.062 đơn vị với tổng cộng 11.032 phương tiện đã hoàn thành lắp đặt (chiếm 32% tổng số phương tiện). Hiện, Hà Nội vẫn còn 23.289 phương tiện chưa lắp camera giám sát.
Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá tỷ lệ phương tiện đã lắp đặt camera của Hà Nội nhìn chung là cao so với mặt bằng chung của cả nước (nhiều địa phương mới đạt từ 10-30% theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam), song về cơ bản còn thấp so với yêu cầu.
“Nhiều doanh nghiệp đề nghị được lùi thời hạn do dịch COVID-19 kéo dài. Song, quan điểm của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội là sẽ không tiếp tục kéo dài thêm,” ông Long cho hay.
Sở Giao thông Vận tải đã giao các Đội Thanh tra Giao thông Vận tải địa bàn đến từng doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn triển khai lắp đồng thời xây dựng phương án tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Từ ngày 1/1/2022, Sở sẽ chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải không thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ.
Tại Bắc Ninh, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, số lượng phương tiện đã lắp đặt camera đạt tỷ lệ rất thấp so với tổng phương tiện phải lắp đặt. Cụ thể, số xe của các doanh nghiệp mới lắp được 60%; số xe của các hộ kinh doanh mới lắp được 30%. Với tỉnh Yên Bái, số lượng phương tiện đã lắp đặt camera đạt tỷ lệ 28%.
Lý giải về việc chậm trễ lắp đặt camera, đại diện các Sở Giao thông Vận tải cho biết doanh nghiệp vận tải đưa ra lý do thời gian vừa qua đã chịu nhiều thiệt hại và lỗ do xe ‘đắp chiếu’ với dịch COVID-19, giờ lại tốn thêm chi phí cho hệ thống camera giám sát trên xe sẽ khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Từ chối đăng kiểm, phạt xe vận tải không lắp camera
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể tỷ lệ phương tiện lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải của tất cả các địa phương.
Theo ông Thủy, để thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 10/2020 và Nghị quyết số 66/2021 của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi 63 tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo đẩy mạnh việc lắp đặt camera trên xe ôtô kinh doanh vận tải và hoàn thành xong trước ngày 31/12/2021, đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm theo quy định.
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng vừa có văn bản nhắc nhở các đơn vị vận tải khẩn trương lắp camera hoàn thành trước ngày 31/12/2021. Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp lắp camera phải đạt chuẩn theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396 và cân nhắc lắp đặt thiết bị sử dụng công nghệ 4G trở lên.
Là đơn vị cung cấp thiết bị, ông Phan Anh Tùng, Giám đốc công ty GISVIET cho biết giống với mốc nghị định lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), trước 15 ngày tình hình lắp đặt bắt đầu mới nóng lên. Còn trước đó, thỉnh thoảng mới có đơn vị gọi lắp đặt. Mấy ngày nay, lượng khách hàng gọi đến để lắp khá nhiều.
Theo ông Lê Đình Sơn, Giám đốc công ty Toàn Cầu, trước kia, mỗi xe thường lắp 3 mắt camera kèm một đầu ghi, nên một bộ camera khoảng 10-12 triệu/xe. Hiện nay, giá một bộ thiết bị camera Hợp chuẩn TCVN13396 đầy đủ chỉ vào khoảng 3-5 triệu/xe.
Lý giải điều này, ông Sơn cho biết đầu năm nay, ít bên cung cấp nên giá cao nhưng hiện trên thị trường có nhiều nhà cung cấp tham gia, tạo ra canh tranh gay gắt về giá và chất lượng. Các nhà cung cấp buộc phải đổi mới công nghệ nên hiện nay mọi loại xe chỉ cần lắp 1 mắt camera góc rộng, đặc biệt đã tích hợp cả thiết bị hộp đen nên tối ưu khá nhiều chi phí cho doanh nghiệp vận tải như: chỉ duy trì 1 thiết bị, 1 simcard, tiện lợi sử dụng, sắp tới nhà mạng cắt 2G thì không mất thêm chi phí nâng cấp thiết bị hộp đen lên 4G lần nữa...
Để tháo gỡ khó khăn cho vận tải khách, một số Sở Giao thông Vận tải đã vận dụng linh hoạt cho phép lắp trước những xe hoạt động, những xe chưa hoạt động sẽ chưa phải lắp. Vì thế, vận tải khách chỉ mới phải lắp trước khoảng 10-30% xe.
“Các Sở Giao thông Vận tải nên áp dụng rộng rãi để tháo gỡ khó khăn cho vận tải. Về phía công ty, với khách hàng nhiều xe và đủ độ tin tưởng, công ty có cả chế độ cho trả chậm để hỗ trợ bạn hàng," ông Sơn chia sẻ.
Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, trường hợp sau ngày 31/12/2021, xe kinh doanh vận tải vẫn chưa lắp camera giám sát thì các đơn vị đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối vớixe ôtôtham gia hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không chấp hành quy định về lắp đặt camera. Nghị định 100/2019 quy định xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt: 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera theo quy định. |