Thu nhập tăng, thu hút giảng viên giỏi
Báo cáo về kết quả tự chủ ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nêu rõ, năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017. Triển khai nghị quyết này với 23 trường tham gia, hệ thống giáo dục ĐH đã có bước tiến dài, các nguồn lực được khơi thông và năng lực của cơ sở đào tạo được phát huy tối đa. Hiện nay, đã có 142/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi.
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành. Ảnh: THANH HÙNG
Về nhân lực, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày càng tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021. Về tài chính, từ năm 2018 đến 2021, tổng thu của các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ đa phần tăng lên; thu nhập bình quân tăng 20,8% đối với giảng viên và tăng 18,7% đối với cán bộ quản lý. Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.
Trong 5 năm tới, giai đoạn 2022-2026, mục tiêu của ngành giáo dục là thực hiện tự chủ ĐH toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. Bộ GD-ĐT kiến nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan đến hoạt động tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH; sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước theo hướng cho phép các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT được chuyển số dư kinh phí, chế độ chính sách của người học sang năm sau để tiếp tục thực hiện đúng mục tiêu hỗ trợ cho người học; đầu tư tập trung cho một số cơ sở giáo dục ĐH mạnh, nhất là trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để hình thành một số cơ sở giáo dục ĐH đẳng cấp quốc tế, tiên phong, có vai trò, nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống…
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), trường tự chủ ngay từ khi thành lập, trong giờ học thực hành. Ảnh: THANH HÙNG
Cần có cơ chế đặt hàng đào tạo
Theo PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - một trong những trường thực hiện tự chủ ĐH sớm, đổi mới năng lực quản trị nhà trường được coi là yếu tố cốt lõi của sự thành công. “Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Chúng tôi tập trung phát huy năng lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó có cả việc xây dựng hệ thống tài chính vững mạnh để bảo đảm thu nhập cho cán bộ, công nhân viên”, PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng nêu ý kiến.
GS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng cho rằng, cơ chế tự chủ đã cho phép các trường mở ngành đào tạo trong thời gian sớm nhất, kịp thời nhất để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tự chủ cũng giúp các trường tự chủ tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau, như xét tuyển học bạ cùng với chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ, nên chất lượng đầu vào tốt, học sinh có thêm cơ hội vào học đúng trường, đúng ngành mình thích.
Theo PGS-TS Trần Mai Ước, Chánh văn phòng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, quyền tự chủ đối với cơ sở giáo dục ĐH được thể hiện chủ yếu trên 3 nội dung lớn: tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức biên chế, tự chủ về tài chính. Các trường ĐH cần được tự quyết định và chủ động về khai thác, tìm kiếm các nguồn tài chính; cách thức sử dụng các nguồn tài chính và tài sản hiện có, đầu tư cho tài sản tương lai. “Nhà nước cần xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo đối với các trường ĐH, trước mắt là các trường ĐH trọng điểm, các ĐH vùng, ĐH quốc gia về nguồn nhân lực trình độ cao cho giai đoạn 2021-2030. Điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ theo lộ trình. Thực hiện chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên”, PGS-TS Trần Mai Ước kiến nghị. Ông nhấn mạnh, tự chủ về tài chính không có nghĩa là các trường phải tự lo về tài chính. Nhà nước vẫn có trách nhiệm đầu tư tài chính cho các trường công, nhưng tăng cường quyền tự quyết của trường về tài chính trên cơ sở những quy định khung.
Thực hiện tự chủ ĐH, năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm chiếm 26,2%, năm 2021 chỉ còn 12,7%; tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu đồng/năm vào 2018 là 57,5%, thì năm 2021 chỉ còn 46,3% . Giảng viên có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu đồng tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018-2021). |
Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: Tự chủ không phải là tự do
Tự chủ ĐH phải sử dụng tốt hơn các nguồn lực, bao gồm con người, nguồn lực tài chính; phải phát huy hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước và phải thu hút mạnh đầu tư của doanh nghiệp. Tự chủ ĐH không phải là tự do. Chúng ta phải tuân thủ pháp luật gắn với trách nhiệm của nhà trường. Ngay cả ở các trường ĐH phương Tây, tự chủ nhưng vẫn phải có định hướng của nhà nước chứ không có nghĩa là tự do hoàn toàn.
Cần nhìn vào nguyên nhân tại sao các trường chưa tự chủ được? Tại sao còn một số trường chưa kiểm định được? Vì các trường không muốn, hay hệ thống kiểm định của Bộ GD-ĐT và các nơi định hướng chưa đúng? Tại sao một số trường chưa thành lập hội đồng trường theo quy định của pháp luật? Tôi cho rằng, các trường nhất thiết phải có bộ quy chế nội bộ, công khai minh bạch trong toàn trường vì liên quan đến việc chi lương, chi thưởng và mức độ đoàn kết. Tương tự, trường nào mà chủ tịch hội đồng chưa làm bí thư đảng ủy là vi phạm pháp luật và quy định của Đảng.
Bên cạnh đó, cần phải theo xu thế hội nhập quốc tế, tiếp tục hướng dẫn, cổ vũ, tạo điều kiện để các trường tham gia kiểm định quốc tế, xếp hạng quốc tế, công bố quốc tế. Một trong những sứ mệnh của ĐH không chỉ là phổ biến, dạy tri thức mà còn phải là nơi sáng tạo ra tri thức. Nhất thiết phải đổi mới căn bản về nghiên cứu khoa học trong các trường. Chúng ta không làm dàn trải mà đầu tư vào một số trường có năng lực và có thể mời các giảng viên có đủ năng lực của các trường khác cùng tham gia chương trình, dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội NGUYỄN ĐẮC VINH: Cần có đề án tổng thể về tự chủ đại học
Để thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐH hiệu quả hơn, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ và cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục ĐH chủ động thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách thực chất và hiệu quả. Trước mắt, nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể về tự chủ ĐH, trong đó xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn và mức độ, điều kiện cũng như lộ trình để cơ sở giáo dục ĐH nói riêng, cả hệ thống giáo dục ĐH nói chung chuyển đổi sang mô hình tự chủ phù hợp với định hướng chiến lược và quy hoạch phát triển của quốc gia, của từng vùng. Sơ kết, đánh giá từng nội dung tự chủ để có các quyết sách kịp thời; ưu tiên triển khai thực hiện tự chủ trong các vấn đề học thuật, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự, quản trị ĐH, trước khi yêu cầu tự chủ về tài chính.
Trong quá trình triển khai thực hiện tự chủ ĐH, cần có cơ chế đặc thù, đột phá để các cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu, có năng lực, uy tín và kinh nghiệm thực tiễn tiếp tục đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong việc thí điểm phát triển các mô hình, chương trình đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế.