Bắt đầu từ năm 2016, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai lộ trình tự chủ tài chính cho các bệnh viện trên địa bàn.
Sau 5 năm tự chủ tài chính chi thường xuyên, trong đó có 2 năm phải ứng phó với dịch COVID-19, nhiều bệnh viện rơi vào khó khăn khi thu không bù đủ chi.
Các bệnh viện kiến nghị, những bất cập trong chính sách cần được tháo gỡ sớm để có thể tự chủ, đứng vững trước quy luật cung-cầu của thị trường.
Càng làm càng lỗ
Là một trong những bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính chi thường xuyên sớm nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, sau 6 năm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) đối diện với không ít khó khăn.
Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện cho biết khó khăn lớn nhất là viện phí mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành; phần còn lại (gồm: chi phí nhận sự gián tiếp; khấu khao thiết bị, máy móc; chi phí đào tạo, nghiên cứu; bảo dưỡng cơ sở hạ tầng) chưa được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá.
Việc này dẫn đến bệnh viện càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư; cơ sở vật chất, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu; không nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao.
Bệnh viện Quận 11 cũng có chung khó khăn khi bắt đầu tự chủ tài chính từ năm 2017 đến nay. Bác sỹ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện cho biết trong 2 năm xảy ra dịch COVID-19, các chỉ tiêu đề ra của bệnh viện đều không thực hiện được, chỉ hoàn thành được khoảng 80%.
Mặc dù trong những năm gần đây, Bệnh viện Quận 11 triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu để thu hút người bệnh nhưng do quỹ cải cách tiền lương hạn chế nên thu nhập của nhân viên y tế vẫn còn khá thấp.
Bình quân lương bác sỹ chỉ khoảng 14-15 triệu đồng/tháng, điều dưỡng 10-12 triệu đồng/tháng. Điều này khiến bệnh viện không giữ chân được đội ngũ y, bác sỹ có chuyên môn; không thu hút được người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh.
Một trong những khó khăn của Bệnh viện Quận 11 khi tự chủ tài chính là nguồn thu bảo hiểm y tế chiếm tỷ trọng khá cao (khoảng 60%). Trong khi đó, chi phí thuốc, vật tư y tế chiếm tỷ lệ lớn và theo quy định bán theo giá gốc, không có lợi nhuận.
Tuy nhiên, nguồn thu này phải đối diện với nguy cơ xuất toán bảo hiểm y tế rất lớn. Năm 2020, đơn vị này bị xuất toán hơn 5 tỷ đồng; năm 2021 bị xuất toán gần 1 tỷ đồng.
Mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn thu nhưng giá thu bảo hiểm y tế và viện phí đến nay chưa kết cấu đủ chi phí. Điều này gây khó khăn rất lớn cho bệnh viện trong việc cân đối nguồn thu để đảm bảo hoạt động thường xuyên và tái đầu tư.
Bệnh viện vừa phải đảm bảo chi lương, thu nhập cho viên chức vừa phải đảm bảo mua sắm trang thiết bị để tái đầu tư.
Nếu trích đủ nguồn quỹ cải cách tiền lương theo quy định thì tỷ lệ trích, lập quỹ phát triển của bệnh viện rất thấp, không đảm bảo thu nhập cho nhân viên để cải thiện đời sống, thu hút nguồn nhân lực.
Kể từ khi tự chủ tài chính, Bệnh viện huyện Bình Chánh luôn rơi vào tình trạng “lỗ.” Bác sỹ Võ Ngọc Cường, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện huyện Bình Chánh cho biết năm 2020, bệnh viện thu 135 tỷ đồng nhưng chi đến 142 tỷ đồng; năm 2021 thu 77 tỷ đồng và chi 82 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm 2022, bệnh viện tiếp tục lỗ. Thu không bù đủ chi nên khi một số máy móc đắt tiền (như: máy chụp mạch máu kỹ thuật số hóa xóa nền (DSA), máy chụp cộng hưởng từ (MRI) hư hỏng), Bệnh viện không có tiền để sửa chữa.
Cần sớm tính đúng, đủ viện phí
Thiếu kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại, lương nhân viên y tế thấp, không thể giữ được chân nhân lực giỏi, có chuyên môn cao… là tình trạng chung của nhiều bệnh viện khi tự chủ tài chính.
Bác sỹ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện An Bình cho biết thời điểm sau dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân đến khám giảm hẳn khiến bệnh viện bị hụt nguồn thu, trong khi đó, máy móc, thiết bị hiện đại và nhân sự giỏi để thu hút người bệnh không có khiến bệnh viện không thể cạnh tranh được với một số bệnh viện tuyến trên trong cùng khu vực.
Là bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế với hơn 4.500 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh gặp muôn vàn khó khăn khi tự chủ tài chính.
Theo lãnh đạo bệnh viện, bất cập lớn nhất hiện nay là nguồn thu gồm viện phí và giá các dịch vụ kỹ thuật, thủ thuật phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước. Quy định này ổn định, không thay đổi từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên, các khoản chi lại phải tuân theo quy luật thị trường và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Đơn cử, chi phí điện, nước, thuê chuyên gia, nhà khoa học, chi phí hoạt động chuyên môn, quản lý, các phí dịch vụ, chi trả lãi tiền vay… tăng đều mỗi năm.
Mặt khác, giá viện phí hiện mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành; trong khi đó mỗi yếu tố cấu thành cũng chưa được tính đúng, tính đủ.
Tiến sỹ Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Chợ Rẫy nêu rõ đối với giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao chỉ được tính giá mua vào, không tính chi phí quản lý, hao hụt, chi phí bảo quản, lưu kho. Các chi phí duy tu, bảo dưỡng chỉ được tính từ 2-5%/năm.
Trong khi đó, hầu hết các thiết bị, máy móc của bệnh viện đã có từ lâu, thời gian sử dụng dài, công suất sử dụng lớn nên chi phí duy tu, bảo dưỡng cao. Ước tính chi phí này ở bệnh viện khoảng 8%/năm.
Đáng chú ý, hiện chi phí tiền lương cho nhân viên y tế Bệnh viện mới chỉ tính cho bộ phận trực tiếp ở mức cơ bản và một số phụ cấp; còn nhân viên gián tiếp và các phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại… hoàn toàn chưa được tính.
Những điều này khiến giá trị thặng dư trong quá trình hoạt động của bệnh viện gần như bị triệt tiêu. Do đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất cần xác định lại chi phí cấu thành giá dịch vụ y tế; trong đó, ngoài các yếu tố kinh tế kỹ thuật và định mức chi phí đã được cấu thành 7 yếu tố như quy định, giá dịch vụ y tế cần căn cứ thêm các yếu tố như hạng bệnh viện, học hàm, học vị của đội ngũ nhân sự, chất lượng dịch vụ y tế.
Ngoài ra, giá dịch vụ y tế cần căn cứ theo yếu tố kinh tế thị trường như quy luật cung-cầu, quy luật về giá trị, chỉ số trượt giá, sự cạnh tranh… và một số yếu tố khác như thuế, bảo hiểm rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, giá trị thương hiệu…
Nhìn nhận về quá trình tự chủ tài chính của các bệnh viện, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thừa nhận hầu hết các bệnh viện trên địa bàn đã tự chủ tài chính nhưng gặp nhiều khó khăn, nhất là sau gần 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, nguồn thu từ hoạt động khám, chữa bệnh giảm rõ rệt.
Trước đây, số lượng bệnh nhân đông, bệnh viện bù đắp qua lại, có thể xoay xở được. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân giảm sút, nguồn thu giảm hẳn.
Để tháo gỡ cho các bệnh viện, theo ông Tăng Chí Thượng, viện phí cần sớm được tính đúng, tính đủ. Việc điều chỉnh viện phí trong giai đoạn này là nhu cầu cấp bách nhưng nằm ngoài tầm của các bệnh viện và Sở Y tế.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội sớm thông qua, điều chỉnh để các bệnh viện thực hiện giá thu hợp lý.
Trước mắt, Sở Y tế sẽ theo dõi và đánh giá mức tự chủ của các bệnh viện để kịp thời kiến nghị thành phố có hướng tháo gỡ. Song song đó, các bệnh viện cần củng cố, phát triển khám bệnh theo yêu cầu, điều chỉnh mức lương, trợ cấp và các chế độ chính sách phù hợp cho cán bộ, nhân viên.