Sự đổi thay của thời cuộc, công nghệ số tác động mạnh là điều rất rõ ràng. Nhu cầu và khán giả vẫn ở đó, vấn đề là làm sao hấp dẫn được họ, đặc biệt công chúng thưởng thức trẻ.
Có những thời điểm, TPHCM là nơi duy nhất trong nước có các tụ điểm, sân khấu ca nhạc luôn sáng đèn. Trong ký ức của các nhạc sĩ, ca sĩ và người dân, hình ảnh các tụ điểm, sân khấu, các chương trình biểu diễn là cả bầu trời kỷ niệm không quên. |
“Khởi đầu cho các tụ điểm, sân khấu ca nhạc là cà phê Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, từ những năm đầu thập niên 1980. Lúc đó, Nhà Văn hóa Thanh niên mở CLB Sáng tác trẻ, CLB Ca sĩ trẻ. Lúc đó tôi học Trung cấp thanh nhạc Bông Sen, địa điểm học nằm góc xéo với đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần Nhà Văn hóa Thanh niên. Tôi tham gia CLB Ca sĩ trẻ. Chính CLB Sáng tác trẻ, CLB Ca sĩ trẻ kết hợp làm cà phê Nhà Văn hóa Thanh niên để giới thiệu những tác phẩm mới đến khán giả. Một thời gian, cà phê Nhà Văn hoá Thanh niên trở thành sân khấu ca nhạc, Nhà Văn hoá Thanh niên tổ chức ca nhạc hàng đêm, có ban nhạc biểu diễn đầy đủ, ngon lành”, nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển nói về những ngày đầu, bắt nguồn chuỗi tụ điểm âm nhạc tại TPHCM.
Nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển kể tiếp: Sau đó, sân khấu ca nhạc thể nghiệm được mở ra tại Công viên Tao Đàn từ năm 1982. Năm 1986 mở sân khấu 126, lúc đầu chỉ là bãi cỏ hoang, cỏ mọc ngang người. Tụ điểm sân khấu ca nhạc Sao đêm thuộc quận 10 cũng được mở. Tiếp nữa là sân khấu Trồng Đồng do đạo diễn Phương Sóc kết hợp cùng Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM mở. Ở quận 3, góc đường Kỳ Đồng - Trương Định có tụ điểm sân khấu ca nhạc quận 3. Nói chung, ở trung tâm là quận 1, quận 3, quận 10… đã hình thành chuỗi tụ điểm sân khấu ca nhạc, hoạt động rầm rộ.
“Hồi đó, tôi chạy show dữ lắm à nghen! Một đêm có khi chạy 7-8 show, từ tụ điểm này qua tụ điểm khác. Tôi hát Khi bong bóng bay, Triệu đoá hoa hồng, Chuyện đời xưa chuyện ngày nay… người ta thích lắm. Mỗi một tụ điểm có khi hơn 3.000 người. Cả gia đình 4-5 người đi chỉ tốn rất ít chi phí. Hồi đó toàn bộ ca sĩ của thành phố gói gọn chỉ 20-30 người như: Đình Văn, Thế Hiển, Ngọc Yến, Ngọc Điệp, Nhất Sinh, Nhã Phương, Bảo Yến, Mỹ Lam, Thi Nga, Lê Tuấn… và một số ca sĩ trẻ sinh hoạt văn hóa ở các trung tâm văn hóa để hát “trám giờ” cho ca sĩ nổi tiếng chạy. Không có điện thoại di động, xếp giờ diễn rồi thì nghệ sĩ thi nhau chạy show cho kịp giờ thôi…”, nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển kể.
Trong trí nhớ của bà Nguyễn Thị Oanh (67 tuổi, ngụ đường Bình Lợi, quận Bình Thạnh, TPHCM), ngày xưa, ở thành phố, người ta rất mê đi xem ca nhạc. “Cứ đến giờ, ở các ngõ hẻm người ta túa ra xếp hàng, mua vé đông lắm. Như ở sân khấu 126, tất cả các khu hẻm loanh quanh đó, bà con đi bộ đến. Hồi đó, đi bộ”, bà Oanh nhớ lại.
Chị Lê Thị Hồng Nhung (43 tuổi, ngụ đường Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh) cũng kể: “Xưa mê đi xem ca nhạc ở sân khấu Trống Đồng lắm. Nhớ những năm cấp 3, có tiền để dành là đám học sinh tụi tui rủ nhau đi xem liền. 7 giờ tối diễn thì 5 giờ chiều đã kéo nhau tới sân khấu, lựa chỗ ngồi thoáng mát, dễ coi nhất”.
Những cú va chạm, sức ép
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, TPHCM có quyền tự hào rằng đây là cái nôi của các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Một số hoạt động phong trào âm nhạc của thành phố nổi lên từ Thành đoàn TPHCM, lực lượng Thanh niên xung phong… với những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, tuổi trẻ…
Thời điểm những năm 1980, quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước trên thế giới mở rộng hơn, lúc đó có một số chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật nên các sân khấu biểu diễn dần được mở. Sau đó, các hoạt động của tụ điểm, sân khấu ca nhạc bắt đầu nổi trội hẳn lên. Đây là cái nôi để các ca sĩ giỏi miền Bắc như Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung và nhiều ca sĩ khác “Nam tiến” để có thế đứng nhất định.
“Nhiều nhóm ca khúc như nhóm Đại Dương, Cửu Long, CLB Tháng tám, CLB Ca khúc chính trị của TNXP… hoạt động đúng chất năng động của con người TPHCM. Tác dụng hiệu quả của hoạt động âm nhạc lúc bấy giờ thực sự đem đến điều mới mẻ, tác động lớn với tuổi trẻ, thanh niên TPHCM nói riêng, cả nước nói chung. CLB Sáng tác trẻ của Nhà Văn hoá Thanh niên quy tụ nhiều nhạc sĩ như : Thanh Tùng, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Ngọc Quang, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Vũ Hoàng, Nguyễn Đức Trung, Phạm Đăng Khương…
Lúc đó, các tụ điểm nổi bật lên là sân khấu biểu diễn tại Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng, sân khấu 126. Các trung tâm văn hóa, nhà văn hoá của các quận, huyện cũng trở thành các sân khấu truyền thống biểu diễn phục vụ người dân, nổi bật là các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức (cũ), quận 3, 5, 6, 12, huyện Hóc Môn… Thời điểm hoạt động mạnh đó từ khoảng những năm 1980 đến 2000. Đó là những địa điểm mở ra, tạo điều kiện nâng bước cho nghệ sĩ, các nhóm nhạc và phục vụ nhu cầu thụ hưởng âm nhạc nghệ thuật sôi nổi của bà con”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung cho biết.
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, sau khoảng 20 năm hưng thịnh, vàng son đó của các tụ điểm, sân khấu ca nhạc, thì “cú va đập” đầu tiên là với các nhà hàng, quán bar, phòng trà tư nhân mọc lên như nấm. Kế tiếp là sự phát triển của công nghệ. Khi các ấn phẩm in ấn, băng đĩa, video… ra đời và sau này từ năm 2010 trở đi, nhạc số phát triển mạnh thì các tụ điểm ca nhạc mất dần sức hút. Ngày xưa, mỗi tụ điểm có một phương thức hoạt động, cách kinh doanh, họ chịu đầu tư cơ sở vật chất nên kinh doanh tốt, sống được, nuôi được nghệ sĩ… còn bây giờ đìu hiu lắm.
Nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển cũng đồng tình, khi video, băng đĩa, truyền hình nhiều kênh phát triển thì khán giả đến các tụ điểm ca nhạc vơi dần. “Người ta đi theo khuynh hướng xem ca nhạc qua băng video nhiều hơn, sau này qua YouTube, các kênh mạng xã hội. Năm 2000 trở đi, các tụ điểm thu hẹp hoạt động, thoái trào và tê liệt luôn. Đó là quy luật cuộc sống. Các tụ điểm ca nhạc chẳng còn sức thu hút với công chúng nữa. Cứ mỗi lần nghe thông tin thêm một tụ điểm ca nhạc đóng cửa, lại buồn”, nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển chia sẻ.
*Nhạc sĩ - ca sĩ Nhất Sinh:Tiếc vì tụ điểm thoái trào |