Tự tin mục tiêu 22 tỷ USD vốn FDI

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đặt mục tiêu thu hút khoảng 22 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2015. Mục tiêu này có vẻ khả thi khi 10 tháng đã thu hút vốn FDI gần chạm mốc 20 tỷ USD.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đặt mục tiêu thu hút khoảng 22 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2015. Mục tiêu này có vẻ khả thi khi 10 tháng đã thu hút vốn FDI gần chạm mốc 20 tỷ USD.

Giải ngân ấn tượng

Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, từ đầu năm tới nay Việt Nam đã cấp phép cho 1.657 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 12,42 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2014 về số dự án và 24,8% về số vốn đăng ký. Cùng với đó, Việt Nam cũng thu hút được thêm 667 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,866 tỷ USD.

Tính chung cả vốn FDI cấp mới và tăng thêm, 10 tháng năm 2015 Việt Nam đã thu hút được 19,3 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ 2014. Các chuyên gia dự báo, thu hút FDI thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, do đó mục tiêu thu hút khoảng 22 tỷ USD trong năm 2015 là hoàn toàn khả thi.

Vốn FDI thực hiện trong 10 tháng đạt 11,8 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2014, trung bình mỗi tháng nhà đầu tư nước ngoài giải ngân hơn 1,1 tỷ USD tại Việt Nam, đây được đánh giá là mức giải ngân khá ấn tượng, cho thấy sức hấp dẫn thực sự của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất từ đầu năm đến nay với gần 12,5 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 64,7% tổng vốn đầu tư trong 10 tháng.

Trong tổng số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2015, Malaysia là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn cam kết 2,4 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng vốn đăng ký mới. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 với 2,06 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư và Vương quốc Anh xếp thứ 3 với 1,266 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư.

Cùng với vốn đăng ký mới, vốn đăng ký tăng thêm và giải ngân tăng mạnh, hoạt động của khu vực FDI trong những tháng đầu năm cũng được ghi nhận khá tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI trong 10 tháng (kể cả dầu thô) đạt 95 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ.

Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam toàn cầu được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện, những thay đổi mạnh mẽ về chính sách pháp luật, cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đang tạo ra sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, Luật Đầu tư 2014 đã bãi bỏ thủ tục thẩm tra đầu tư, thực hiện thủ tục đăng ký cho nhà đầu tư trong vòng 15 ngày thay cho 45 ngày trước đây. Các ngành nghề cấm kinh doanh cũng được giảm xuống còn 6 ngành nghề trên cơ sở rà soát hơn 51 ngành nghề cấm. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng giảm xuống còn 272 ngành nghề thay vì 386 ngành nghề như trước.

Luật DN mới cũng tạo ra đột phá khi DN không bị hạn chế số lượng, ngành nghề hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, khi có sự thay đổi ngành, nghề kinh doanh, DN chỉ cần thông báo với cơ quan chức năng để được bổ sung trong hồ sơ chứ không phải đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như Luật DN 2005.

Thay đổi này không chỉ tạo thuận lợi mà còn giảm thời gian và chi phí cho DN. Sự thay đổi này đang tạo sức hấp dẫn rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Dây chuyền lắp ráp xe Piagio tại Nhà máy Piagio Việt Nam do Italia đầu tư.

Dây chuyền lắp ráp xe Piagio  tại Nhà máy Piagio Việt Nam do Italia đầu tư.

Tiếp tục hấp dẫn EU

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), hiện đã có 23 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có đầu tư tại Việt Nam với tổng số 1.688 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đầu tư 21 tỷ USD. Quy mô trung bình một dự án của EU tại Việt Nam là 12,6 triệu USD, cao hơn mức trung bình của các đối tác đầu tư khác.

Trong tổng số 23 quốc gia EU đầu tư vào Việt Nam có 5 quốc gia EU đầu tư mạnh bao gồm: Hà Lan, Vương quốc Anh, Pháp, Luxembourg và Cộng hòa Liên bang Đức. Riêng 5 quốc gia này chiếm 82% tổng FDI của EU vào Việt Nam.

FDI từ EU vào Việt Nam tập trung chủ yếu ở các trung tâm kinh tế lớn và các tỉnh có cơ sở hạ tầng tốt như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng. 3 lĩnh vực tại Việt Nam được các nhà đầu tư EU quan tâm đầu tư bao gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo; điện và kinh doanh bất động sản.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 573 dự án có tổng vốn đầu tư 6,29 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam. 

Các tin khác