Trong thời điểm mùa tuyển sinh 2020 đang bắt đầu, các nhà giáo, nhà tâm lý đã gửi đến Báo SGGP các ý kiến phân tích, thảo luận về vấn đề này.
Đừng ép con suốt đời làm nghề tay trái
Hướng nghiệp cho con không phải là việc làm trong một sớm một chiều, mà là cả một quá trình. Càng không thể đợi đến lúc con làm hồ sơ thi đại học, cha mẹ mới cố vấn để con chọn nghề. Hướng nghiệp là một việc làm rất có ý nghĩa, đòi hỏi cha mẹ phải tiến hành trong suốt thời gian nuôi dạy con ở gia đình. Để hướng nghiệp cho con có hiệu quả, cha mẹ nên thường xuyên chủ động trao đổi, giúp con nhận thức đúng về năng lực và sở trường bản thân.
Đồng thời, nên tham khảo thêm ý kiến của nhà trường và các chuyên gia tư vấn tâm lý, nghề nghiệp. Việc định hướng ngành nghề cho con cần phải xem xét kỹ càng, giúp con cân nhắc cẩn thận, chín chắn, tránh sự ảo tưởng và kỳ vọng quá cao, dẫn đến chọn sai nghề hay chọn nghề theo cảm tính, dẫn đến hậu quả là khi theo học chuyên ngành, con sẽ chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống. Khi có cơ hội, nên cho con tham quan, trải nghiệm những nơi con mong muốn học tập, công tác, để con hình dung ra thực tế mình cần phải trải qua. Cha mẹ không thể làm việc và sống thay con, nên cần tôn trọng suy nghĩ, thực sự tin tưởng ở sự lựa chọn của con. Đây là một việc hết sức nhạy cảm; nếu chọn không đúng thì con sẽ mất đi rất nhiều cơ hội, thời gian, tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết.
Cha mẹ chủ động tư vấn, định hướng nhưng không tạo áp lực. Tùy từng kiểu tính khí, thái độ, năng lực của trẻ để chọn ngành nghề cho thích hợp. Nếu trẻ năng động, có tính hướng ngoại, thích sự trải nghiệm, thì có thể chọn những nghề liên quan đến kinh doanh, marketing... Nếu trẻ có tính cẩn thận, ngại sự thay đổi, thì nên chọn nghề bền vững. Trẻ thích sáng tạo, nhiều ý tưởng và thích sự tự do, nên chọn các ngành có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật.
Quan trọng là trẻ phải được định hướng để nhận biết được sở trường, năng lực bản thân, biết mình muốn gì, làm được gì để chọn nghề phù hợp. Trẻ được tự chọn ngành nghề sẽ có trách nhiệm với sự quyết định của mình. Cha mẹ chỉ gợi ý, định hướng và hỗ trợ, không nên ép buộc gây tâm lý căng thẳng, xung đột không đáng có. Đừng vì muốn con nối nghiệp gia đình mà bắt con phải chọn nghề của cha mẹ.
Cần lưu ý rằng, có rất nhiều con đường để lập nghiệp, không nhất thiết phải có bằng kỹ sư, cử nhân mới thành công trong cuộc sống. Điều đó, không có nghĩa là cha mẹ bỏ mặc con “tự bơi” một mình trong quá trình chọn nghề, càng không nên phó mặc, khoán trắng hoàn toàn việc hướng nghiệp cho nhà trường. Không ai có thể sống thay cuộc đời của con, nên cha mẹ cần phải biết lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng ý muốn của con.
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN, giảng viên tâm lý ĐH Nguyễn Huệ
Nộp hồ sơ kỳ tuyển sinh năm 2020 vào một trường đại học ở TPHCM. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Không chọn bừa ngành nghề để được vào đại học
Lâu nay, việc hướng nghiệp đã được ngành giáo dục chú trọng, đưa vào chương trình giảng dạy, tuy nhiên qua mỗi kỳ tuyển sinh, xét tuyển nguyện vọng bổ sung, chúng ta vẫn thấy tác dụng của việc hướng nghiệp bị lu mờ đi bởi sự nháo nhào kiếm một suất vào đại học ở bất cứ ngành nào.
Lâu nay, việc hướng nghiệp đã được ngành giáo dục chú trọng, đưa vào chương trình giảng dạy, tuy nhiên qua mỗi kỳ tuyển sinh, xét tuyển nguyện vọng bổ sung, chúng ta vẫn thấy tác dụng của việc hướng nghiệp bị lu mờ đi bởi sự nháo nhào kiếm một suất vào đại học ở bất cứ ngành nào.
Trong các kỳ tuyển sinh, nhiều thí sinh có điểm thi khá cao nhưng bị đánh bật ra khỏi ngành học đã lựa chọn với biết bao nhiêu kỳ vọng, rồi đành lựa chọn bừa một ngành học khác ngoài dự định ban đầu, để hy vọng trở thành sinh viên đại học. Không chỉ thí sinh mà cả phụ huynh cũng chỉ mong con trúng tuyển đại học, còn chuyện tương lai nghề nghiệp thì tính sau. Bị loại nguyện vọng 1, buộc phải chọn một ngành, một trường khác dự định, đã khiến không ít thí sinh và phụ huynh chọn liều một ngành học theo cảm tính hoặc theo tâm lý đám đông. Đó là quyết định hết sức mạo hiểm. Việc chọn nghề mà hiểu biết quá ít, thậm chí không hiểu nghề định chọn, không có năng khiếu đặc trưng của nghề, thì sớm muộn gì cũng sẽ gặp trở ngại lớn trong hoạt động nghề nghiệp của cá nhân, dẫn đến tâm lý hẫng hụt, bi quan, chán nản, miễn cưỡng trong công việc, nhiều khi lỡ dở cả cuộc đời.
Con số cả trăm ngàn cử nhân, kỹ sư và cả thạc sĩ thất nghiệp được đưa ra gần đây, khiến nhiều người thật sự sốc cho sự lãng phí nguồn nhân lực hiện nay của chúng ta. Thay vì tìm kiếm những cơ hội ngành nghề yêu thích và theo thị trường lao động ở các bậc học cao đẳng, trung cấp, thì tâm lý phải vào đại học bằng mọi giá khiến nhiều học sinh dù không đủ năng lực cũng tìm cách vào đại học, dẫn đến dễ dàng trả giá cho quyết định của mình. Khi chọn học một ngành nghề, phải biết kết hợp một cách lý tưởng các yếu tố: nguyện vọng, năng lực của cá nhân, những đòi hỏi của nghề nghiệp và yêu cầu của xã hội. Có như vậy, sau này mới có thể phát huy tất cả đam mê, kiến thức của mình được học vào công việc.
VĂN THI HOÀNG, giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu (TP Hội An)
VĂN THI HOÀNG, giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu (TP Hội An)