LTS:Ngày 6-10, Báo SGGP đề xuất cần có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Nhiều giới chức, nhân sĩ, trí thức… đã chia sẻ, bày tỏ ý kiến đồng thuận, đề xuất Quốc hội sớm chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tưởng niệm. Việc tưởng niệm tiến hành càng sớm càng lay động tâm thức, tạo sự an ủi đối với hàng vạn gia đình của các nạn nhân Covid-19 cùng sự khích lệ lớn đối với những người ngày đêm trong tuyến đầu phòng chống dịch.
Người bệnh tập phục hồi chức năng tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Việc tổ chức một ngày tưởng niệm đối với khoảng 20.000 đồng bào Việt Nam qua đời vì Covid-19 ở cấp quốc gia là vô cùng cần thiết, có ý nghĩa nhân văn rất lớn; kịp thời góp phần xoa dịu sự căng thẳng về tâm lý, bất an trong tâm trí của hàng triệu người Việt Nam.
Trong nền văn hóa châu Á nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, dẫu người thân qua đời đã lâu, thậm chí nhiều thập niên, nhưng người còn sống vẫn tưởng niệm hàng năm nhân dịp lễ tết, lễ Thanh minh, lễ giỗ và tháng Bảy âm lịch. Nói cách khác, đối với hàng triệu người Việt Nam, chăm sóc chu toàn cho người chết cũng là cách góp phần làm cho người sống được an yên, hạnh phúc. Việc Chính phủ tổ chức lễ tưởng niệm tất cả người Việt Nam qua đời vì Covid-19 có ý nghĩa xã hội và nhân văn rất lớn.
Vấn đề quan trọng là phải chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng cho ngày tưởng niệm đồng bào Việt Nam chết vì dịch bệnh Covid-19. Không thể phủ định, một trong những nguyên nhân dẫn đến thế giới có gần 5 triệu người tử vong và Việt Nam có tỷ lệ tử vong cao là do chúng ta thiếu nguồn cung vaccine, chưa đạt được miễn dịch cộng đồng tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Vì thế, tôi đề nghị lấy ngày mà vaccine đầu tiên do Việt Nam phát minh, được cấp phép lưu hành làm ngày tưởng niệm. Bởi vaccine “made in Vietnam” là cơ hội tốt để chúng ta có thể sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây cũng là dấu chỉ ý nghĩa đóng góp cho sự phục hồi của nền kinh tế, góp phần xây dựng hình ảnh tiến bộ của Việt Nam trên toàn cầu, đồng thời góp phần giúp nhiều nước khác cùng đạt miễn dịch cộng đồng.
Lực lượng quân đội bàn giao tro cốt người mất vì Covid-19 cho gia đình nạn nhân. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tôi kiến nghị Quốc hội Việt Nam nên xem xét và sớm ban hành quyết nghị về việc Việt Nam có ngày tưởng niệm toàn quốc về người tử vong vì Covid-19, cùng một tấm bia tưởng niệm trân trọng đặt ở tâm dịch TPHCM. Cùng với bia tưởng niệm, cần xây dựng bức tán dương sự hy sinh cao quý của những người đã mất ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Đồng thời chúng ta cần cập nhật danh sách tên các đồng bào chết vì Covid-19 trên cổng tưởng niệm điện tử online. Việc tưởng niệm cần được tiến hành càng sớm càng lay động tâm thức, tạo sự an ủi lớn đối với hàng vạn gia đình của nạn nhân Covid-19 và tạo sự khích lệ lớn đối với những người tham gia lực lượng tuyến đầu.
Trong nỗi khổ niềm đau cùng tận giữa đại dịch Covid-19, chúng ta càng cần hướng về nhau, giúp nhau có thêm niềm tin vượt qua đau thương, hướng đến tương lai vì sự hồi sinh ở phía trước. Tình người và tính nhân văn phải được soi sáng giữa mất mát, đau thương. Đây cũng là ý nghĩa mà Chính phủ nên làm cho nhân dân được an lòng trong lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hoành hành. Từ góc độ kinh nghiệm, mỗi biến cố trong đời, dù đối với cá nhân hay tập thể, cộng đồng hay quốc gia, nên được quan niệm là dịp chúng ta nhìn nhận lại mối quan hệ nhân quả chi phối mọi thứ trên đời. Mọi vấn nạn của con người cần được giải quyết bằng các giải pháp đúng của con người. Từ trong biến cố không mong muốn, tất cả chúng ta cần dùng ánh sáng trí tuệ, rút ra cho mình và các thế sau những bài học hữu ích để tránh điều tương tự trong tương lai.
Thượng tọa THÍCH NHẬT TỪ
Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM,
Trụ trì chùa Giác Ngộ
-----------------------------------------------
Người dân có thể tham gia theo hình thức trực tuyến
GS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Thời gian qua, rất nhiều người qua đời vì Covid-19 mà không có người thân tiễn đưa. Đó là nỗi buồn sâu sắc. Một ngày để cả nước cùng tưởng niệm, khi dịch đã có dấu hiệu giảm dần, là điều nên làm. Nếu làm được và chân thành sẽ an ủi phần nào vong linh của người khuất và cho cả người đang sống.
Về cách thức, cần phải có thông tin chính thức từ Chính phủ, lời chia buồn từ người đứng đầu Chính phủ với gia đình các nạn nhân. Qua đó, cũng nêu rõ chiến lược mới, những cam kết của Chính phủ để đẩy lùi dịch bệnh. Về hình thức, có thể tổ chức ở 1-2 địa điểm như nhà chùa hoặc nhà thờ, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch. Ở những địa phương còn thực hiện phong tỏa có điều kiện, người dân có thể tham gia qua hình thức trực tuyến, đặt hoa ở một số nơi đặc biệt để tưởng nhớ người đã khuất. Việt Nam nên dần có những thói quen, tập tục mới như nhiều quốc gia trên thế giới. Một mạng người cũng rất đau xót, huống hồ hơn 20.000 người đã ra đi. Sự an ủi với người đã khuất chính là an ủi người đang sống.
-----------------------------------------------
Bây giờ chính là thời điểm thích hợp nhất
GS-VS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM
Nhà nghiên cứu về văn hóa học, ngôn ngữ học và Đông phương học
Bây giờ chính là thời điểm thích hợp nhất - không sớm quá, không muộn quá - để đặt ra vấn đề chọn ra một ngày để tưởng niệm hàng năm cho đồng bào Việt Nam tử vong vì Covid-19. Ngày này sẽ mang nhiều ý nghĩa, chúng ta có thể cùng tưởng nhớ, cầu nguyện cho người đã khuất và cùng chia sẻ, an ủi, thắp lên hy vọng với những người còn sống, giúp họ vững lòng bước tiếp. Ngày tưởng niệm có thể lấy ngày mà TPHCM ghi nhận con số tử vong là 10.000 trường hợp, từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Có ngày tưởng niệm còn cần nơi lập đài tưởng niệm. Nơi lập đài tưởng niệm này nên đặt ở TPHCM, là địa phương bị thiệt hại nặng vì Covid-19. Rất cần phát động một cuộc thi mẫu thiết kế tượng đài, đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ, để vừa là nơi chia sẻ, tiễn biệt người đã qua đời vừa nhắc nhớ người đến viếng thăm về đại dịch năm nào. Ngoài ra, cũng có thể dựng một bức tường khắc ghi họ tên từng người đã qua đời và một website. Trên website của đài tưởng niệm cần có thông tin tra cứu cụ thể về ngày mất, nơi mất của từng đồng bào.
-----------------------------------------------
Ở tận cùng nỗi đau, con người vẫn có thể bước tiếp
PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC
Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội
Một ngày để tất cả cùng hướng lòng về những đồng bào đã qua đời vì Covid-19 là rất cần thiết. Đây là dịp để tất cả cùng lắng lại, bày tỏ tình thương yêu và trân quý đối với những đồng bào đã qua đời; đồng thời chia sẻ sự thấu cảm, góp phần xoa dịu, chữa lành vết thương đối với người còn sống sau bao tháng ngày thương tổn vì dịch bệnh. Đó là một ngày kết nối. Lúc này, không chỉ chữa cho những ca bệnh lý nặng mà còn rất cần xoa dịu những nỗi đau sâu thẳm trong lòng người. Và để xoa dịu thì “bài thuốc” hiệu nghiệm nhất chính là tình yêu thương chân thành giữa con người với con người, sự đoàn kết, gắn kết trong cộng đồng.
Đi qua ranh giới mong manh của sinh - tử, càng thấm thía rằng giờ đây giữ được hơi thở, giữ được sức khỏe, giữ được sinh mạng là vô cùng quý giá. Ngày tưởng niệm cũng là dịp để mỗi chúng ta cùng xích lại gần nhau, thầm hứa với nhau sẽ mở lòng và yêu thương, trân trọng nhau hơn; cùng nâng đỡ, dìu dắt nhau đi tiếp. Rất nên khuyến khích các tôn giáo thực hành nghi lễ cầu an cho người quá cố, cũng như an lòng gia đình có người thân qua đời vì Covid-19. Bởi nhiều khi ở tận cùng của nỗi đau, con người vẫn có thể bước tiếp với niềm tin ở trong mình.
Ngày tưởng niệm nên làm một cách thành kính, trang nghiêm, tránh ồn ào hình thức. Hậu Covid-19, TPHCM nên giữ nguyên một bệnh viện dã chiến đầu tiên của thành phố làm nơi tương tác xã hội, kết nối và nhắc nhở các thế hệ về “câu chuyện Covid-19”. Qua đó, càng thêm trân trọng ý nghĩa của những mất mát, càng trân quý kiếp nhân sinh của mình và cộng đồng.