Đây là cách để những người làm nghệ thuật tránh nguy cơ một người/nhóm người nào đó cảm thấy bị xúc phạm bởi điều gì đó trong quyển sách hay bộ phim và kiện ra tòa.
Tuyên bố từ chối trách nhiệm bắt đầu xuất hiện sau khi bộ phim “Rasputin và Hoàng hậu” được hãng phim Mỹ MGM phát hành năm 1932, trong đó có bóng gió chuyện nhân vật Công chúa Natasha bị Rasputin cưỡng hiếp. Và nhân vật Natasha trong phim có vẻ là hiện thân của công chúa nước Nga Irina, đã đâm đơn kiện MGM tại một tòa án ở Anh.
Sau khi xem xét, bồi thẩm đoàn đồng ý rằng hình ảnh công chúa thật đã bị phim bôi nhọ. Năm 1934, công chúa Irina và chồng được xử bồi thường 127.373USD và 1 triệu USD trong một dàn xếp ngoài tòa với MGM. Như một cách phòng ngừa các vụ kiện tiếp theo, MGM đã quyết định ngưng chiếu bộ phim trong nhiều thập niên. Kể từ đó hầu hết hãng phim hay nhà xuất bản trên thế giới đưa tuyên bố từ chối trách nhiệm để tránh phiền toái về pháp lý.
Nhưng dù có tuyên bố từ chối trách nhiệm, người làm nghệ thuật cũng có lúc phải hầu tòa. Chẳng hạn, nhà xuất bản và tác giả cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất tại Mỹ “Primary Colors: A Novel of Politics” xuất bản năm 1996, viết về chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Bill Clinton, đã bị kiện với số tiền đòi bồi thường lên đến 100 triệu USD. Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ đơn kiện với lý do tác phẩm hư cấu, không nhất thiết phải theo các chuẩn mực điều tra như một quyển sách phi hư cấu, và nguyên đơn không chứng minh được rằng danh tiếng của mình bị tổn hại do việc miêu tả nhân vật trong quyển sách. Ngoài ra, tòa còn tập trung vào những điểm khác biệt giữa nguyên đơn và nhân vật hư cấu như tên, công việc và ngoại hình.
Một số hướng dẫn giúp nhà làm phim/xuất bản tránh kiện tụng.
Cũng tại Mỹ, một truyện ngắn xuất bản năm 1991 trên tạp chí Seventeen mô tả một nhân vật tuổi teen tên “Bryson” như một “con đĩ”. Một người bạn học cũ của tác giả có họ Bryson đã kiện tạp chí vì tội phỉ báng và được tòa xử thắng kiện. Tòa phán rằng việc tác giả sử dụng tên thật của nguyên đơn khiến những người thứ ba sẽ hiểu câu chuyện là đề cập đến nguyên đơn, bất chấp tuyên bố từ chối trách nhiệm về tác phẩm hư cấu.
Một số án lệ còn cho thấy nguyên đơn có thể thắng kiện ngay cả khi tên của người này không được nhắc đến. Chẳng hạn cuốn tiểu thuyết The Red Hat Club xuất bản năm 2003, kể về 5 phụ nữ trung niên dựa trên những con người thật mà tác giả Haywood Smith đã gặp. Vickie Stewart, một trong 5 người này đã khởi kiện sau khi thấy 1 nhân vật có nhiều điểm tương đồng với cô như nơi sinh sống hay hoàn cảnh hôn nhân. Nhưng nhân vật này có một số điểm khác biệt như nghiện rượu và quan hệ tình ái lăng nhăng, và đây là điều cô cảm thấy mình bị phỉ báng. Năm 2009, tòa xử cô Vickie Stewart thắng kiện.
Theo LS. Mark Litwak, người đã tham gia biện hộ cho nhiều nhà làm phim tại Mỹ, phỉ báng là hành vi truyền thông làm tổn hại đến danh tiếng của người khác, hạ thấp người này theo quan điểm của cộng đồng, hoặc ngăn cản những người thứ 3 liên kết hoặc giao dịch. Một người bị bôi nhọ có thể bị xấu hổ và sỉ nhục, cũng như thiệt hại về kinh tế, như mất việc làm hoặc khả năng kiếm sống.
Những thông tin về các vụ kiện tụng đối với các tác phẩm nghệ thuật hư cấu và định nghĩa về phỉ báng nói trên đáng được tham khảo, nếu chúng ta liên hệ với trường hợp của nữ ca sĩ Khánh Ly được đưa lên màn ảnh với bộ phim “Em và Trịnh” mới công chiếu. Liệu nữ ca sĩ có cảm thấy mình bị phỉ báng khi nhân vật hiện thân mình ngoài đời trở thành một trong các “em” của người nhạc sĩ nổi tiếng trong phim, tạo nên sự mập mờ về tình cảm giữa 2 người?
Theo LS.Trần Anh Dũng, Đoàn Luật sư Hà Nội, Khánh Ly hoàn toàn có thể kiện nếu bà cho rằng các tình tiết trên đây làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, danh dự, nhân phẩm và uy tín cá nhân. Bởi theo luật pháp hiện hành, việc thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin cá nhân và về đời tư của bất cứ ai phải được người này đồng ý.
Theo lời kể của Khánh Ly, ca sĩ Bùi Lan Hương, người hóa thân bà trong phim đã gửi email và gọi điện thoại xin bà tư vấn chỉ trong 3 phút. Bà cho biết đại diện của đoàn phim đã liên lạc và cho bà xem kịch bản những phân đoạn có nhân vật Khánh Ly trong phim, nhưng bà không đồng ý với những cảnh nhà sản xuất dự định thực hiện. Bà nói nếu muốn sáng tạo, muốn giữ kịch bản phải đổi tên nhân vật. Tuy nhiên, nhà sản xuất vẫn đưa lên phim những cảnh quay bà không đồng ý và nghệ danh Khánh Ly vẫn được sử dụng cho tên nhân vật. Đó chính là lý do khiến nhà sản xuất bộ phim phải xin lỗi Khánh Ly.
Ông Lương Công Hiếu, đại diện nhà sản xuất nhấn mạnh đoàn phim không có ý định bôi xấu bất cứ ai ngoài đời. Ông đề nghị công chúng cho phép người làm phim được làm nghệ thuật theo góc nhìn của mình, bởi đây là bộ phim thể loại lãng mạn, không phải tiểu sử về một con người thật, nên có tranh cãi cũng là chuyện bình thường. Ông nói: “Chúng tôi rất tiếc và thành thật xin lỗi nếu sự sáng tạo của bộ phim có làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu những đính chính khác biệt trên phim và ngoài đời”.
Dù sao, với thiện chí của đoàn làm phim là “khắc họa nhân vật Khánh Ly với lòng ngưỡng mộ và trân trọng”, nên xác xuất bà Nguyễn Thị Lệ Mai (tên thật của nữ ca sĩ) khởi kiện rất thấp. Nhưng phát biểu dưới đây của Khánh Ly đáng được các nhà sản xuất phim lưu ý về mặt luật pháp và nhân văn, nếu muốn thực hiện những tác phẩm tương tự trong tương lai: “Tôi chưa chết. Người ta có thể bán người chết được vì người chết không trả lời được nhưng tôi còn sống. Tôi không biết khi con tôi xem phim đó, chúng sẽ nghĩ thế nào về mình”.