Hình thành trục giao thông huyết mạch
Với chiều dài 64km, bắt đầu từ Quốc lộ 1A - ngã 3 Tân Vạn (phường Bình Thắng, TP Dĩ An) đến KCN Bàu Bàng - đường Hồ Chí Minh, đi qua 5 địa phương của tỉnh Bình Dương gồm các TP Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng, có tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng.
Việc sớm quy hoạch và xây dựng tuyến đường này đã hình thành thêm trục giao thông huyết mạch, không chỉ kết nối với TPHCM còn nối với các đường vành đai để về cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Tuyến đường MPTV đưa vào sử dụng kỳ vọng giải bài toán tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, giúp tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong các KCN tuyến đường đi qua.
Theo tính toán của các chuyên gia, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường này có thể tiết kiệm được khoảng 30% chi phí từ nhà máy đến các cảng trong khu vực Đông Nam bộ so với đi theo Quốc lộ 13.
Với các huyện như Bàu Bàng, tuyến đường MPTV chỉ nằm trên địa bàn huyện một đoạn nhưng là tuyến đường chiến lược, bắt đầu từ thị xã Bến Cát, chạy qua các KCN lớn, nối với đường Hồ Chí Minh và các trục đường vành đai khác của tỉnh.
Nhằm khai thác tối đa các lợi thế khi có tuyến đường lớn đi qua, huyện Bàu Bàng đã lên kết hoạch phát triển một số trục đường ngang kết nối thông suốt vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh, vừa giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi.
Riêng với TP Thuận An, tuyến đường MPTV (giai đoạn 1) đi qua các phường Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, dù mới đưa vào sử dụng chưa đầy 10 năm nhưng đã thực sự tạo ra cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa của Thuận An và cả tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, đánh giá đây là tuyến đường hoàn toàn mới kết nối các KCN, đô thị của Đồng Nai, Bình Dương với các cảng lớn ở Đồng Nai, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với Thuận An, từ khi tuyến đường được đưa vào sử dụng đã tạo ra sức bật phát triển mới, giúp TP khai thác nguồn tài nguyên đất đai vốn trước đây chỉ thuần túy là đất nông nghiệp, thu hút thêm các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sạch, thương mại - dịch vụ, xây dựng các nhà máy, khu dân cư, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đóng thuế cho ngân sách địa phương.
Thuận An cũng có điều kiện phát triển các dự án hạ tầng thiết yếu như trường học, bệnh viện tư, công viên. Đặc biệt, nhờ có tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn đã đóng vai trò như tuyến giao thông xương sống, đẩy nhanh tốc độ đầu tư nâng cấp, đấu nối hoàn chỉnh hạ tầng giao thông.
Làm nhiều cầu vượt để tránh ùn tắc
Làm nhiều cầu vượt để tránh ùn tắc
Tuyến đường MPTV được ví như “mắt xích” quan trọng liên kết Tây nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với Quốc lộ 13 đi qua địa bàn dài 62km được đầu tư nâng cấp, đã tạo thành điểm nhấn nổi bật trên hành trình phát triển của tỉnh Bình Dương trong 20 năm qua. |
Để giảm ùn tắc, tăng hiệu quả toàn bộ dự án này, tỉnh Bình Dương đã thông qua dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến MPTV, giúp giải tỏa áp lực giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống trong khu vực, giúp hàng hóa lưu thông được thuận lợi.
Dự kiến, tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng 6 cầu vượt gồm cầu vượt Quốc lộ 1A dài 163m; cầu vượt Quốc lộ 13 dài 300,68m; cầu vượt vào khu ICD TBS - Tân Vạn 143m; cầu vượt đường Phạm Ngọc Thạch, cầu vượt ĐT741, cầu vượt nút giao XE1 KCN Mỹ Phước dài 282,75m.
Ngoài ra có 6 hầm chui trên tuyến chính gồm nút giao với đường Tạo lực tại Km19+143, nút giao đường Võ Văn Kiệt tại km25+300, đường NE2 - KCN Mỹ Phước tại km33+840, đường NA3 - KCN Mỹ Phước tại km36+660, đường N4 tại Km51+630, vòng xoay tại km53+120; hầm chui đường ngang gồm 15 hầm; cầu vượt đi bộ với 28 cầu; đường gom dân sinh 7 đoạn.
Đồng thời, Tổng Công ty Becamex IDC (chủ đầu tư tuyến MPTV) đang tiếp tục làm việc với JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) để thỏa thuận tài trợ cho dự án kéo dài tuyến metro số 1 từ Suối Tiên về Bình Dương và Đồng Nai.
Trước mắt sẽ sớm triển khai thực hiện tuyến xe buýt nhanh (BRT) kết nối TP mới Bình Dương về Suối Tiên thông qua đường MPTV. Becamex IDC cũng chuẩn bị triển khai xây dựng mô hình phát triển giao thông công cộng (TOD) để phục vụ người dân tốt hơn, cũng như khai thác tối đa hiệu quả tuyến đường mang lại.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết tuyến đường MPTV mở ra hướng trục giao thông Đông - Tây kết nối với đường tỉnh lộ 743, mở ra động lực cho các huyện phía Bắc của Bình Dương, kết nối với khu Đô thị Sáng tạo mới của tỉnh ở huyện Bàu Bàng, đồng thời sẽ là trục đường kết nối với TPHCM qua đường Phạm Văn Đồng, nối với các tốc TPHCM – Bình Dương – Bình Phước để tạo ra động lực mới cho cả vùng Đông Nam bộ.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, tuyến đường MPTV có vai trò quan trọng không chỉ riêng tỉnh Bình Dương, còn với các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và TPHCM. Điển hình như hàng hóa từ KCN Tây Bắc Củ Chi đi qua tuyến này để về cảng sông, cảng biển khá lớn.