Đây thật sự là bài toán khó trước hàng loạt đổi mới trong tuyển sinh, do là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cô trò Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TPHCM) trong giờ học cuối tháng 4-2022. Ảnh: THU TÂM
Chọn trường hay tổ hợp môn học
Chị Thu Huyền, phụ huynh có con đang học lớp 9 một trường THCS tại TP Thủ Đức, cho biết, con gái chị có năng khiếu hội họa. Khi nghe thông tin Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đưa thêm 2 môn nghệ thuật là Mỹ thuật và Âm nhạc vào giảng dạy ở lớp 10, cháu rất vui mừng. Tuy nhiên, kế hoạch tuyển sinh của nhiều trường THPT không có môn Mỹ thuật trong danh sách các môn tự chọn do thiếu giáo viên giảng dạy.
Ngoài ra, phụ huynh này bày tỏ, con gái muốn đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) bởi cơ hội vào học nhóm ngành yêu thích là khoa học tự nhiên khá cao, nhưng điểm chuẩn đầu vào của trường cao hơn nhiều đơn vị khác trên cùng địa bàn. Ngược lại, nếu chọn giải pháp an toàn là đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT có điểm chuẩn thấp để chắc một suất học công lập thì cơ hội vào học nhóm ngành yêu thích cũng ít đi, do nhiều trường ưu tiên tổ chức nhóm ngành khoa học xã hội.
Thông báo tuyển sinh của Trường THPT Thủ Thiêm ghi rõ, sau khi Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 công lập, trường sẽ tổ chức họp cha mẹ học sinh để hướng dẫn lựa chọn tổ hợp môn học. Trường hợp môn học có số lượng đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu mở lớp, trường sẽ căn cứ thứ tự hồ sơ đăng ký của học sinh. Những học sinh đăng ký muộn hơn phải chọn lại môn học khác phù hợp khả năng mở lớp của đơn vị.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) trong giờ học. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ở góc độ khác, nhiều phụ huynh khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 của Trường THPT Trưng Vương (quận 1) trăn trở, trường quy định cụ thể tổ hợp môn học và môn tự chọn đối với 4 nhóm ngành sẽ mở lớp gồm Khoa học công nghệ STEM, Khoa học công nghệ STEAM, Khoa học xã hội và Khoa học xã hội - nghệ thuật.
“Nếu học sinh đăng ký nhóm ngành này, nhưng muốn học môn tự chọn ở nhóm khác, hoặc sau 1-2 năm học có nguyện vọng đổi nhóm ngành đào tạo, hoặc đăng ký tổ hợp môn học mới theo kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học có được bổ sung kiến thức của môn học mới hay không?”, chị Quỳnh Giang, phụ huynh có con đang học lớp 9, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) đặt câu hỏi.
Trước băn khoăn này, một số trường THPT đã chọn giải pháp linh động là ngoài tổ hợp môn học quy định “cứng” các môn thành phần, còn tổ chức một số tổ hợp “mở” cho học sinh và phụ huynh đề xuất môn học theo nguyện vọng. Đây được xem là một trong những hình thức đón đầu tổ hợp môn học mới sẽ xuất hiện trong vòng 2-3 năm tới.
Theo thầy Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5), nhiều phụ huynh và học sinh hiện nay có tâm lý cứ thi đậu vào trường công lập, chưa cân nhắc đến việc lựa chọn tổ hợp môn học, dẫn đến việc sau khi học sinh trúng tuyển, giáo viên ở trường THPT phải tư vấn lại, gây bị động trong tổ chức các môn học.
Cô Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) cũng trăn trở, Bộ GD-ĐT chưa công bố chuẩn đầu ra của học sinh lớp 12 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, khiến các trường khó khăn trong xây dựng kế hoạch dạy học và chuẩn bị nguồn nhân sự. Đồng thời, việc công bố chuẩn đầu ra có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp học sinh và phụ huynh định hướng phù hợp hơn trong lựa chọn môn học.
Cuộc đua tỷ lệ chọi
Theo công bố của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2022-2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập toàn thành phố là 72.800 học sinh, tăng gần 5.000 chỉ tiêu so với năm học trước. Tuy nhiên, tổng số học sinh lớp 9 dự kiến tốt nghiệp THCS năm học này tăng hơn 10.000 em, dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh khá cao trong cuộc đua giành suất học công lập.
Ngoài ra, trên tổng số 114 trường THPT công lập, có 58 trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh, 22 trường giảm chỉ tiêu và 34 trường giữ nguyên chỉ tiêu so với năm học 2021-2022. Trong đó, nhiều trường THPT có điểm chuẩn đầu vào ở tốp đầu và tốp giữa công bố tăng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng hầu hết nằm trong khu vực có số học sinh lớp 9 tăng đột biến.
Đơn cử, các trường THPT như Bùi Thị Xuân (quận 1), Marie Curie, Lê Quý Đôn (quận 3), Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm học trước, nhưng theo dự đoán của nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp 9, mặt bằng điểm chuẩn sẽ không có nhiều biến động. Nguyên nhân là do chỉ tiêu tuyển sinh tăng nhưng bài toán phân luồng vẫn giữ ổn định theo nguyên tắc 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học lớp 10 công lập. Vì vậy, mức độ cạnh tranh sẽ tùy thuộc vào từng khu vực chứ không đơn thuần dựa vào sự tăng giảm chỉ tiêu của từng trường.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam, những học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập có thể rẽ hướng qua một trong các loại hình học tập như trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT tư thục, dân lập...
“TPHCM đảm bảo điều kiện học tập và rèn luyện tốt nhất cho tất cả học sinh phù hợp năng lực học tập và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Nếu rẽ hướng qua học nghề, học sinh vừa được giảng dạy chương trình THPT, vừa được đào tạo nghề. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ có bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề”, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.