Theo báo cáo từ Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, đến hết tháng 8/2022, số lượng xe đã dán thẻ thu phí không dừng (ETC) trên toàn quốc đạt hơn 3,8 triệu phương tiện (khoảng 84%), đạt được mục tiêu trong năm 2022 có khoảng 80-90% số lượng phương tiện dán thẻ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 141 trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí ETC với tổng số 801. Trong số này, có 66 trạm với 382 làn thu phí do Bộ Giao thông Vận tải quản lý; 29 trạm với 117 làn do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý và 46 trạm với 302 làn do địa phương quản lý.
Toàn bộ các trạm thu phí mở trên các tuyến Quốc lộ cũng đã được vận hành thu phí ETC theo phương án chỉ duy trì một làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy. Các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí ETC toàn bộ từ ngày 1/8/2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tính riêng trong tháng 8/2022, tổng lưu lượng sử dụng thu phí ETC đạt hơn 28 triệu lượt phương tiện tương ứng với 83% tổng lưu lượng phương tiện qua các trạm thu phí trên toàn quốc.
Đánh giá cơ bản hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí vận hành ổn định, lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng việc chỉ thu phí ETC đã giúp các phương tiện lưu thông qua trạm nhanh hơn, không phải dừng lại trả phí như trước đây nên không gây ra ùn tắc tại trạm, giảm tải trong công tác đổi tiền lẻ, bảo quản tiền mặt tại các trạm thu phí.
Trước đó, từ ngày 1/8/2022, 10 tuyến cao tốc trên cả nước sẽ chỉ tiến hành thu phí ETC bao gồm cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, Bắc Giang-Lạng Sơn, Hạ Long-Vân Đồn, Pháp Vân-Cầu Giẽ, Cầu Giẽ-Ninh Bình; Đà Nẵng-Quảng Ngãi; Liên Khương-Đà Lạt; Long Thành-Dầu Giây và Trung Lương-Mỹ Thuận.