Được thành lập năm 1861 để hỗ trợ sự phát triển kinh tế của thành phố Seattle và tiểu bang Washington, viện đại học vinh dự mang tên vị Tổng thống đầu tiên George Washington (1732-1799), với biểu tượng chữ W và thường được gọi tắt là UW, đào tạo cấp bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ thông qua 140 phân khoa, được phân bố cho 3 cơ sở tại Seattle (cơ sở chính), Tacoma và Bothell, đáp ứng đào tạo cho khoảng 46.000 học viên và nghiên cứu sinh từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm.
Trải hơn 160 năm tuổi, UW trở thành một trong những viện đại học lâu đời và lớn nhất ở bờ Tây nước Mỹ có bề dày thành tích đào tạo, nghiên cứu khoa học vĩ đại: 20 cựu sinh viên, giảng viên đoạt giải Nobel cùng vô số giải thưởng Pulitzer, Fulbright, học bổng Rhodes, Marshall và thành viên các viện nghiên cứu nổi tiếng nhất nước Mỹ; đạt trên 80 giải của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia và trên 90 giải của Học viện Mỹ thuật và Khoa học Mỹ. Đầu thế kỷ 21, UW đã trở thành viện nghiên cứu nổi tiếng toàn cầu, xếp thứ 22 trên thế giới. Năm 2017, tuần san kinh tế uy tín The Economist xếp UW thứ 13 trên toàn đại học thế giới. Năm 2019, hãng thông tấn Reuters bình chọn UW là trường đại học công sáng tạo nhất thế giới.
Nếu 2 tiểu bang California và Texas là nơi hội tụ của nhiều trường đại học danh giá nhất, được người châu Á chọn định cư đông nhất nhì, thì Washington là tiểu bang thứ 3 được cộng đồng người Việt tại Mỹ và du học sinh chọn mưu sinh và tu nghiệp lâu dài. Bởi lẽ, Seattle đạt được 4 tiêu chí của thành phố đáng sống vì có hệ thống giáo dục và y tế phát triển bậc nhất thế giới; môi trường sống lành mạnh và xanh sạch đẹp; đời sống văn minh và có ý thức cao; người dân không bị phân biệt đối xử và nhận được nhiều chính sách hỗ trợ nên rất thoải mái lao động, cống hiến hết sức mình để thành đạt nhờ tay nghề.
Hơn nữa, với chiến lược định hướng phát triển thành phố và tiểu bang hùng cường, ngay từ đầu tiểu bang Washington đặt UW làm nền tảng chiến lược phục vụ nghiên cứu và ứng dụng để phát triển toàn diện kinh tế chính trị tiểu bang. Từ đó, giá cả và mức sống tại đây khá phù hợp với túi tiền du khách và sinh viên quốc tế, trong đó có cộng đồng người Việt tại Mỹ và du học sinh Việt Nam sang học tập. Họ chọn thuê chung căn hộ sống hòa nhập đa sắc tộc để “cùng học cùng chơi” tại các khu học xá nằm trong khuôn viên trường. Và đây chính là nơi để người Việt tự tin, bình đẳng hội nhập guồng quay kinh tế, xã hội Mỹ.
Du học hay nghiên cứu khoa học trong môi trường đại học Âu Mỹ được xếp hạng dẫn đầu thế giới là mơ ước của các bậc cha mẹ hay các nghiên cứu sinh. Nếu rào cản học phí UW khoảng 35.000USD/năm khá cao với người châu Á, ngược lại sinh viên và nghiên cứu sinh nhận được nền tảng giáo dục học thuật và cân bằng học tập, rèn luyện thể chất của “siêu đại học” gắn liền hệ thống hạ tầng 26 thư viện đại học - lớn nhất thế giới, UW Tower, giảng đường, trung tâm nghệ thuật, bảo tàng, phòng thí nghiệm, sân vận động và trung tâm hội nghị chuẩn quốc tế…
Cơ sở vật chất trên giúp sinh viên nắm vững kiến thức đã học để có thể tốt nghiệp loại giỏi trong các lĩnh vực, ngành nghề lịch sử và nghệ thuật, âm nhạc, kịch nghệ, ngôn ngữ hiện đại, tiếng Anh, tâm lý học và tôn giáo; sinh học, hóa học, khoa học trái đất và hành tinh, kỹ sư, nghiên cứu môi trường, toán và khoa học máy tính, điều dưỡng, dược, vật lý, tiền y khoa; kinh tế học, quản trị kinh doanh… Bề dày lịch sử phát triển giúp UW không chỉ là 1 trong 3 viện đại học nghiên cứu nhận được tài trợ nhiều thứ 3 tại Mỹ (năm tài chính 2015, UW nhận tài trợ nghiên cứu gần 1,2 tỷ USD, năm 2018 nhận hơn 3,4 tỷ USD), mà quan trọng nhất UW là thành viên của Hiệp hội Viện Đại học Bắc Mỹ, được Quỹ Carnegie phân loại vào nhóm R1 (hoạt động nghiên cứu số 1).
Tôi đến thăm cháu trai vừa hoàn thiện năm thứ nhất UW chỉ sau 1,5 tháng nhập học nhờ tích lũy tín chỉ từ khi còn học phổ thông trung học tại tiểu bang Colorado; tản bộ tham quan viện đại học rộng lớn mất gần cả ngày và thầm mơ ước về tương lai đại học Việt Nam vươn tầm. Thật ngạc nhiên khi thăm bà con Việt kiều nơi đây đều có ít nhất 2-3 con đã hoặc sẽ tốt nghiệp “school, college ngành” của UW, và đang ổn định việc làm trong các hãng sản xuất máy bay Mỹ, tập đoàn điện tử lớn của Nhật Bản, hay các bệnh viện tại tiểu bang. Ngạc nhiên hơn, khi chứng kiến phục vụ bàn tại quán phở Tô Châu nổi tiếng nhất Seattle là sinh viên Việt Nam UW đến từ Huế, TPHCM. Tôi tin thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài và nghiên cứu sinh chọn UW là chọn đầu tư cho tương lai nghề nghiệp thực tế và hiệu quả nhất.
Có thể nói, UW là cánh cửa hội nhập xã hội Mỹ cho các thế hệ trẻ người Việt định cư và du học sinh Việt Nam, thông qua các chuyên ngành y khoa, khoa học máy tính và các chương trình kỹ thuật máy tính có tính cạnh tranh cao.