Nhiều vở được các nghệ sĩ giỏi nghề nhận định đạt chất lượng cả về nội dung, hình thức lẫn chất giải trí.
Vở thi tốt nghiệp Vung tre giữ trời của sinh viên chuyên ngành đạo diễn Trương Minh Toàn
“Cất kho” sau tốt nghiệp
Sinh viên Trương Minh Toàn học chuyên ngành đạo diễn Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM niên khóa 2016-2020, đầu tư dựng vở thi tốt nghiệp Vung tre giữ trời vào giữa tháng 10-2020, trong khoảng 4 tháng. Vở Vung tre giữ trời là câu chuyện của thế hệ trẻ trong công cuộc tiếp nối và gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc, kế thừa tinh thần kiên cường, bất khuất của những vị tiền nhân. Vở diễn được các thầy cô kỳ vọng khi có điều kiện công diễn sẽ phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Vở được Minh Toàn cố gắng “ra rạp” được 1 suất duy nhất sau ngày thi 5 tháng, diễn tại sân khấu Trường Múa TPHCM với phiên bản ngắn gọn, súc tích hơn rồi... “cất kho”.
Diễn viên Phi Nga vừa dựng vở thi tốt nghiệp Tình cha trên sân khấu Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, sau 4 năm học chuyên ngành đạo diễn sân khấu. Vở được đầu tư công phu với dàn nghệ sĩ quen thuộc như: Phương Bình, Hòa Hiệp, Ngọc Tiên… “Thật khó để có được một điểm diễn cho vở thi tốt nghiệp phục vụ khán giả sau kỳ thi, vì sân khấu TPHCM đang gặp rất nhiều khó khăn. Đó là nỗi buồn của rất nhiều người làm nghề chuyên nghiệp”, đạo diễn Phi Nga cho biết.
Đạo diễn Hoàng Tấn may mắn hơn, khi anh là diễn viên của Nhà hát Kịch TPHCM và được nhà hát hỗ trợ 200 triệu đồng dựng vở thi tốt nghiệp Cuộc hành trình đi tìm bức chân dung. Đây cũng là một vở diễn nằm trong kịch mục biểu diễn của nhà hát. Để tác phẩm sân khấu đạt được hiệu quả và hiệu ứng về hình ảnh, Hoàng Tấn bỏ tiền túi thêm 150 triệu đồng để ứng dụng công nghệ 4.0, tạo sân khấu 3D có chiều sâu. Sau khi thi tốt nghiệp, vở đã diễn thêm vài suất, tham gia Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc năm 2021 và nhận được gợi ý hợp tác biểu diễn phục vụ tại một số đơn vị trên địa bàn TPHCM.
Nhìn lại các kỳ thi tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn, không phải sinh viên nào theo đuổi đam mê sân khấu cũng nhận được sự hỗ trợ như đạo diễn Hoàng Tấn. Đã có rất nhiều vở diễn thi xong là cất kho, nhiều sinh viên cầm được bằng tốt nghiệp ra trường rồi lại phải quyết định rời bỏ con đường nghệ thuật để chuyển nghề, tìm kế mưu sinh.
Uổng phí nhân đôi
Thực tế, lĩnh vực sân khấu TPHCM luôn thiếu những đạo diễn trẻ có tiềm năng, nhiều sáng tạo và tâm huyết với nghề. Đến nay, Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM đã đào tạo đến khóa thứ 9 chuyên ngành đạo diễn sân khấu, nhưng sau từng ấy năm, để có thể tiếp tục theo đuổi con đường làm nghề chuyên nghiệp, vẫn không có bao nhiêu người. Anh Trương Minh Toàn chia sẻ: “Đa phần các vở tốt nghiệp đều do cá nhân đầu tư, nên để có thể tái diễn lần thứ 2, thứ 3 thì không phải ai cũng có thể thực hiện được. Chưa kể, các sân khấu kịch tại TPHCM hiện giờ đều có ê kíp riêng, một người hoàn toàn mới khó có thể gia nhập và cộng tác. Vậy nên, nhiều sinh viên đạo diễn sau khi tốt nghiệp đã lựa chọn rẽ hướng, xếp lại vở tốt nghiệp như một kỷ niệm đẹp”.
Giảng viên - đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng cho hay: “Tôi chấm thi, thấy có nhiều vở diễn được các em đầu tư dàn dựng rất tốt, đạt chất lượng, có thể là vở diễn phục vụ công chúng hiệu quả. Tuy nhiên, các em không có đơn vị nghệ thuật nào hỗ trợ nên rất nhiều vở sau khi tốt nghiệp thì không có cơ hội tái diễn. Tôi nghĩ, nếu Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM sắp xếp được thì có thể tổ chức một số buổi biểu diễn trong tuần tại nhà hát của trường để các vở diễn của sinh viên có thể sáng đèn. Bên cạnh đó, khi các em thi tốt nghiệp, nhà trường nên liên kết với các đơn vị nghệ thuật để họ đến xem và có thể chọn tác phẩm phù hợp đem về sân khấu biểu diễn. Trường có thể mở rộng hợp tác với đài truyền hình để những vở thi tốt nghiệp chất lượng cao có thể được thu hình phát sóng… Làm được như vậy sẽ không uổng phí những tác phẩm sân khấu chất lượng được đầu tư công phu, chỉn chu, lại là động lực giúp nuôi dưỡng một lớp đạo diễn trẻ cho lĩnh vực sân khấu thành phố”.
Đạo diễn Thái Kim Tùng từng chia sẻ về việc anh ấp ủ tổ chức một sân khấu kịch phi lợi nhuận dành cho đạo diễn trẻ với tên gọi Sài Gòn Mới, sẽ tổ chức dàn dựng và biểu diễn tại địa điểm sân khấu Sen Việt (lầu 1) - Hội Sân khấu TPHCM, dự kiến ra mắt vào tháng 9-2022. Các tác phẩm thi tốt nghiệp, tác phẩm kịch mới mang hơi hướm thử nghiệm… đủ chất lượng sẽ công diễn bán vé. Hy vọng đây sẽ là bước mở mới cho những sinh viên ngành đạo diễn tận tâm với nghề.