Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) mua USD để thanh toán hàng nhập khẩu cuối năm lại kêu trời vì phải nộp hàng loạt loại phí khiến giá mua bán USD thực tế tại các ngân hàng (NH) ngang ngửa với thị trường tự do. Đỉnh điểm có DN phải mua USD với giá lên đến 21.900 đồng/USD.
Các khoản chênh lệch phát sinh do phải mua USD giá cao đều được tính vào giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng. Do vậy sức ép tăng giá dịp cuối năm đang rất lớn.
Lo sốt vó
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ đầu tư chuỗi hệ thống siêu thị Citimart, cho biết giá USD tăng liên tục ngay cao điểm nhập khẩu kẹo bánh phục vụ thị trường cuối năm khiến các DN lo sốt vó. Ba lô hàng bánh kẹo, sôcôla về đến VN cuối tháng 10, thời điểm đặt hàng giá USD chỉ 21.350 đồng/USD, khi thanh toán giá đã vọt lên 21.900 đồng/USD.
Tính ra DN phải trả thêm chênh lệch tỉ giá đến 110 triệu đồng. Ngoài ba lô hàng kể trên, còn nhiều lô hàng nhỏ giá trị dưới 100.000 USD/lô đang trên đường về nhưng với biến động tỉ giá khó lường nên rất khó chốt giá bán.
Tỉ giá USD tăng cao thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. |
Ông V., chủ DN may thời trang T, cho biết nhập 50.000m vải từ Hàn Quốc bổ sung cho đợt may hàng tết vừa cập cảng, giá nhập trung bình 3,5 USD/m hàng vải may áo, khoảng 6 USD/m mặt hàng jean. Tính ra chênh lệch phải trả thêm do biến động tỉ giá vừa qua lên đến 270 triệu đồng. DN cũng rất khó mua USD của NH. Dù đang ra sức cắt giảm tối đa các khoản chi phí đầu vào, tuy nhiên để có mức giá tốt cho người tiêu dùng thật sự là bài toán nan giải.
Không chỉ DN sản xuất, mà những DN đáo hạn khoản vay ngoại tệ cũng chạy đôn chạy đáo. Giám đốc một DN chuyên sản xuất dây cáp điện cho biết vừa đáo hạn khoản vay 10 triệu USD, dù là khách quen nhưng NH chỉ bán cho 3 triệu USD với giá “tình cảm” là 21.300 đồng/USD, cao hơn giá niêm yết trong NH 330 đồng/USD, còn lại 7 triệu USD ông phải tự xoay xở. Trong khi đó thời điểm giữa tháng 10 giá USD liên tục biến động, cao điểm lên đến 21.900 đồng/USD, tính ra số tiền phải trả thêm lên đến hàng tỉ đồng.
Chủ DN sản xuất nhựa LC (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết DN có nhập, có xuất nhưng do tiêu thụ nội địa lớn nên số ngoại tệ thu được từ xuất khẩu không đủ bù đắp chi phí nhập nguyên liệu. Hằng tháng xuất khẩu thu về 200.000 USD nhưng lại phải nhập nguyên liệu đến 300.000 USD, khoản USD thiếu hụt chỉ 50% được mua với giá niêm yết, còn lại phải trả thêm phí 300 đồng/USD.
Khoản chênh lệch này được tính bằng các loại phí như: phí kiểm đếm, phí giải ngân, phí giao dịch ngoại tệ... Giám đốc một DN dệt may cho rằng NH thường nhìn vào thực lực của DN để giải quyết, vì vậy chỉ những DN có nguồn thu từ ngoại tệ ở mức tương đương hoặc lớn hơn số ngoại tệ cần chi cho nhập khẩu thì NH mới giải quyết bán theo đúng giá niêm yết.
Lách luật...
Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh ngoại tệ một NH cổ phần có trụ sở tại TP.HCM cho biết thời gian gần đây do giá USD biến động mạnh, nên DN xuất khẩu cũng hạn chế bán USD cho NH. Để có nguồn USD cung ứng cho các DN nhập khẩu, NH phải mua theo giá thỏa thuận. Do vậy NH không thể bán lại cho DN nhập khẩu theo đúng giá niêm yết.
Trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ một NH lớn cho biết có nhiều hình thức để bù đắp cho DN xuất khẩu. Theo đó, nếu DN bán USD cho NH với giá niêm yết thì khi vay vốn sẽ được NH ưu đãi lãi suất, thậm chí cho vay miễn phí nếu khoản vay ngắn. Tuy nhiên DN cũng hạn chế bán cho NH. Nhiều DN bán USD cho NH nhưng lại yêu cầu NH bán lại cho DN nhập khẩu mà họ chỉ định. Hiện nay, NH chỉ có thể đáp ứng nguồn ngoại tệ cho một số DN thuộc ngành ưu tiên, số khác phải tự xoay xở.
Nhiều DN nhập khẩu cho biết họ có thể tự tìm đối tác cung ứng nguồn ngoại tệ nhưng trên hợp đồng mua bán chỉ thể hiện theo giá bán mà NH niêm yết. Chênh lệch được chung chi riêng, không có giấy tờ. Như vậy DN không có cơ sở để hạch toán vào chi phí. Do vậy, cách tốt nhất là NH đứng ra làm trung gian, phần chênh lệch được hạch toán dưới dạng phí dịch vụ như: phí kiểm đếm, phí hồ sơ, phí giải ngân, hoặc phí giao dịch ngoại tệ, phí tư vấn tài chính... miễn sao cho đủ phần chênh lệch để DN có căn cứ tính vào chi phí.
Gần đây cách thức mà các NH lách luật ngày càng tinh vi hơn, trong khi để có nguồn USD thanh toán chính DN cũng bắt tay với NH. Do vậy, dù ra quân nhưng NH Nhà nước TP.HCM không phát hiện được trường hợp NH bán USD thu phí.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, khẳng định nếu DN không cung cấp bằng chứng thì NH Nhà nước sẽ rất khó phát hiện. Thời gian qua, DN cũng phản ảnh NH bán USD thu phí nhưng chỉ phản ảnh miệng, không có bằng chứng. Từ nay đến cuối năm, nơi này sẽ tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh thị trường ngoại tệ.
Ông Minh cho biết theo quy định khi giao dịch ngoại tệ, NH chỉ được thu những loại phí theo thông lệ quốc tế như phí chuyển khoản, phí thanh toán nước ngoài...Trường hợp các NH hợp thức hóa việc giao dịch USD vượt trần dưới các hình thức khác đều vi phạm quy định về quản lý ngoại hối.
Đi nước ngoài khó mua USD Các NH cho biết do nguồn cung có phần hạn chế nên những ngày qua NH chỉ còn ưu tiên đáp ứng USD cho DN, còn với cá nhân có nhu cầu mua USD đi nước ngoài để chữa bệnh, du lịch... NH chỉ bán khoảng vài trăm USD mỗi trường hợp chứ không bán với số lượng tối đa như vài tháng trước. Hiện nay một số NH lớn quy định mức bán tối đa cho người đi nước ngoài chỉ còn khoảng 500 USD. NH cũng khuyến khích khách hàng mở thẻ tín dụng để thanh toán khi đi nước ngoài thay vì mang theo ngoại tệ tiền mặt. |