Sau 2 năm thí điểm cơ chế đầu tư theo mô hình công - tư kết hợp (PPP), đến nay đã có 2 dự án PPP được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư và 15 dự án đang triển khai nghiên cứu.
![]() |
Trong thời gian này, các cơ quan trung ương đã hình thành một bộ máy chuyên trách về mô hình mới này, đồng thời tiến hành xúc tiến, giới thiệu và kêu gọi tại các diễn đàn, với các đối tác về việc triển khai PPP tại Việt Nam.
Thông qua đó, các đối tác đã bày tỏ sự ủng hộ, quan tâm và nhận định nếu đảm bảo theo thông lệ quốc tế như đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, các đối tác và nhà đầu tư sẵn sàng tham gia. Trong trường hợp đó, khả năng huy động 70-80 tỷ USD trong vòng 10 năm tới có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), việc triển khai mô hình này còn nhiều khó khăn, phức tạp. Do là phương thức mới, chưa có tiền lệ nên cơ chế quản lý, áp dụng khi ban hành bộc lộ nhiều bất cập.
Vì thế, Bộ KH-ĐT đang khẩn trương xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 71/2010/QĐ-TTG về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP theo hướng mở rộng lĩnh vực áp dụng với nhiều ưu đãi hơn.
Thực tế, Quyết định 71 có tác động tích cực trong việc triển khai một số dự án PPP. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc trong việc lựa chọn lĩnh vực thí điểm và tiêu chí lựa chọn dự án; bố trí vốn cho công tác chuẩn bị dự án…
Bên cạnh đó, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể nên các dự án được đề xuất không triển khai được hoặc không khả thi. Về lĩnh vực thí điểm, tiêu chí lựa chọn dự án, lĩnh vực đầu tư chủ yếu là xây dựng kết cấu hạ tầng, mà chưa bao gồm hết các lĩnh vực phù hợp để đầu tư PPP.
Mặt khác, các lĩnh vực đầu tư và tiêu chí lựa chọn dự án chưa được quy định cụ thể sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ, điều này làm tăng thêm các thủ tục hành chính và nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ. Về phần tham gia của Nhà nước, bao gồm vốn nhà nước, các ưu đãi đầu tư, chính sách tài chính làm tăng tính khả thi của dự án PPP… không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư và do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đối với một số dự án tiềm năng, phần tham gia của Nhà nước phải lớn hơn 30%.
Một vấn đề nữa là nội dung đề xuất dự án PPP theo quy định hiện hành cũng chưa đủ để đánh giá tính khả thi của dự án dù chỉ ở mức đánh giá sơ bộ. Bởi các nội dung của đề xuất dự án hiện hành mới chỉ là các tiêu chí về mặt kỹ thuật, trong khi còn thiếu một số nội dung đặc thù của dự án PPP như chia sẻ rủi ro, mô hình tài chính…
Vì thế, Quyết định 71 sửa đổi sẽ theo hướng mở rộng mô hình PPP sang nhiều lĩnh vực hơn, phần tham gia của Nhà nước sẽ nhiều hơn và nhà đầu tư được hưởng thêm nhiều ưu đãi hơn. Theo đó, lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP được mở rộng ở 13 lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực mới như văn hóa, thể thao, nông nghiệp, xây trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, chợ, nghĩa trang…
Chi phí chuẩn bị và quản lý dự án được tính vào phần tham gia của Nhà nước. Nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án phải thanh toán cho Nhà nước một phần hoặc toàn bộ chi phí chuẩn bị dự án (tùy theo quy mô từng dự án cụ thể).
Trong trường hợp nhà đầu tư lập đề xuất dự án mà không được lựa chọn thực hiện, sẽ được Nhà nước thanh toán một phần hoặc toàn bộ chi phí lập đề xuất dự án.
Về việc tham gia của Nhà nước, dự thảo sửa đổi Quyết định 71 đưa ra 2 trường hợp: không quá 49% tổng chi phí đầu tư của dự án, nếu vượt quá 49% phải trình Thủ tướng hoặc cấp có thẩm quyền xem xét; hoặc không quy định cụ thể mức tối đa phần tham gia của Nhà nước.
Phần ưu đãi và bảo đảm đầu tư vẫn giữ nguyên một số ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trang thiết bị, quyền mua ngoại tệ… Dự thảo đưa ra một quy định mới nhằm bảo đảm cho nhà đầu tư thực hiện dự án, đó là việc giải quyết tranh chấp.
Trong trường hợp có tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, hoặc giữa các doanh nghiệp thực hiện dự án, trước hết được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải. Nếu không được, các bên có thể đưa ra tổ chức trọng tài hoặc tòa án Việt Nam. Vốn và tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.
Trong trường hợp cần thiết phải trưng mua, trưng dụng tài sản nhà đầu tư, Nhà nước bảo đảm thanh toán, bồi thường theo quy định của Luật Đầu tư, hoặc theo các điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng dự án.