Bởi lẽ, đơn tố cáo của một kỹ sư từng gắn bó với công trình trên được các cơ quan quản lý xác định có căn cứ.
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là đơn vị làm chủ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài 140km, khởi công ngày 19-5-2013 và thông xe toàn tuyến ngày 2-9-2018. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng đưa vào sử dụng, cao tốc có tốc độ thiết kế 120km/giờ đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về chất lượng 13 gói thầu xây lắp của dự án. Trong 27 vấn đề mà kỹ sư LTD lên tiếng tố cáo, có không ít câu chuyện liên quan trực tiếp đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và chủ đầu tư VEC. Cụ thể, có hai vấn đề nổi cộm mà kỹ sư LTD nêu ra, được lãnh đạo Bộ GTVT xác định là có cơ sở.
Thứ nhất, kỹ sư LTD tố cáo hiện tượng thi công lớp cấp phối đá dăm gia cố xi măng tại Km 105+300, gói thầu A3 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng. Và Bộ GTVT kết luận: "Tư vấn giám sát, ban quản lý dự án sau đó đã phát hiện và yêu cầu nhà thầu sửa chữa khắc phục bằng cách bóc bỏ 50m cấp phối đá dăm gia cố xi măng đã thi công. Trách nhiệm thi công gói thầu này là của nhà thầu JTEC”.
Thứ hai, kỹ sư LTD cũng tố cáo gói thầu A3 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sử dụng nhà thầu không đủ năng lực. Và Bộ GTVT thừa nhận: “Nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn công trình giao thông Giang Tô đã sử dụng nhà thầu phụ là công ty Cienco 864 thi công 5 cầu, nhưng chưa được VEC chấp thuận hợp đồng. Kiểm tra thực tế thời điểm tháng 11-2017, nhà thầu Cienco 864 đã không còn thực hiện thi công. Đây được xác định là trách nhiệm của nhà thầu chính”.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với vốn đầu tư 34.500 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng hơn tháng đã bị hư hỏng là điều khó chấp nhận.
Ngoài ra, kỹ sư LTD còn tố cáo, tại dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC ứng cho huyện Thanh Liêm (Hà Nam) số tiền 500 triệu đồng bồi thường do thi công đường làm lún, nứt nhà dân khi chưa làm việc với dân, chưa xác định thiệt hại. Tố cáo này được Bộ GTVT cho rằng: “Trách nhiệm là của Ban quản lý dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình trong đề xuất chuyển tiền đặt cọc cho địa phương trước khi dự toán được duyệt. VEC chưa kịp thời thu hồi, giảm quyết toán đối với số tiền đã đặt cọc!”. Cấp trên đã nói thế, thì cấp dưới phải uyển chuyển ứng biến. Phó Tổng giám đốc VEC - Nguyễn Văn Nhi lập tức chỉ đạo các đơn vị thành viên thu hồi số tiền 500 triệu đồng đã đặt cọc cho huyện Thanh Liêm, quyết toán các công trình chưa thực hiện; kiểm điểm 2 tập thể và 2 cá nhân.
Rõ ràng, những bất ổn của VEC và các dự án cao tốc hoàn toàn không phải do thiên hạ đồn thổi kiểu ganh ăn tức ở. Một người “trong chăn mới biết chăn có rận” như kỹ sư LTD đã phơi bày nhiều sự thật về chủ đầu tư lắm tiếng bấc tiếng chì. Thậm chí, kỹ sư LTD còn tố cáo VEC tuyển dụng nhiều lao động chưa đủ kinh nghiệm. Và qua thanh tra, Bộ GTVT chứng minh 8/40 lao động chưa đủ điều kiện theo thông báo tuyển dụng, nên đã yêu cầu VEC kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.
Xây dựng cao tốc là một chủ trương đúng đắn. Trong xu hướng phát triển, các tuyến đường cao tốc sẽ góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và kết nối vùng miền. Thế nhưng, hầu hết khoản kinh phí đầu tư cao tốc đều không phải tiền túi chúng ta có được, mà phải đi vay từ các tổ chức tín dụng có tầm vóc toàn cầu như Ngân hàng Thế giới - WB, hoặc Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA. Vì vậy, một đồng vốn cũng phải được giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, trong bối cảnh dự án BOT tràn ngập, thì bất kỳ sự dễ dãi hoặc cẩu thả nào cũng gây ra hệ lụy bất bình cho người dân. Liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ GTVT đánh giá, dự án được đưa vào khai thác từ tháng 9-2018, nhưng còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện như mái ta luy, khe nối cống chui dân sinh... Trong khi đó, VEC không nghiêm túc trong việc tổ chức thực hiện các văn bản đôn đốc, chỉ đạo của Bộ GTVT.
Sau đợt mưa lớn đầu tháng 10-2018, mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn từ Km0 đến Km65 xuất hiện nhiều vị trí bong tróc, ổ gà. Tổng diện tích hư hỏng khoảng 70m2. Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC dừng thu phí để khắc phục hư hỏng. Trước các sai phạm rành rành, VEC đã cảnh cáo 4 đơn vị gồm: Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 6; Ban QLDA Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Ban điều hành quản lý khai thác đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VECS). Đồng thời cảnh cáo Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 6; cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 4 (đoạn Công ty Tuấn Lộc thi công); cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 6 (đoạn Tổng công ty Thành An thi công); Phó giám đốc kiêm đội trưởng đội vận hành và bảo trì Ban điều hành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VECS) và tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban QLDA Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Những hình ảnh công nhân sửa chữa đường cao tốc theo phương pháp thủ công chắp vá khiến nhiều người ngỡ ngàng. Chỉ sau 5 ngày, từ 15-10 đến 17-10, VEC tuyên bố hoàn tất công tác sửa chữa và xin phép thu phí trở lại. Với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mỗi ngày VEC thu phí khoảng 600 triệu đồng. Khi ký văn bản cho phép VEC thu phí trở lại vào ngày 27-10-2018 đối với dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ GTVT tái khẳng định dự án vẫn đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật cần thiết. Ngược lại, những chuyên gia cầu đường cho rằng cao tốc có số vốn lên đến 34.500 tỷ đồng mà bị hỏng cục bộ, thấm dột ở các cầu, hầm là rất khó chấp nhận. Về mặt chuyên môn, nguyên nhân của sự việc trên là các nhà thầu làm ẩu và có khả năng không đúng hồ sơ thiết kế.
Làm sao để cao tốc không rơi vào tình trạng vừa hoàn công đã hư hỏng như trường hợp cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi? Trước hết, cần sự minh bạch về đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Kế đến, phải tổ chức tư vấn và giám sát thi công một cách nghiêm túc. Trước sự bẽ bàng của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn thường xuyên theo dõi tình trạng mặt đường, các công trình trên tuyến cao tốc để kịp thời phát hiện và sửa chữa hư hỏng phát sinh không quá một ngày. Cao tốc 34.500 tỷ đồng, mà co kéo bằng tư duy “mất bò mới lo làm chuồng” thì đáng âu lo lắm thay.