Vàng có 2 giá trên thị trường là câu chuyện được nói đến nhiều trong tuần này. Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ người dân mà ngay cả Công ty Vàng Bảo Tín Minh Châu cũng "chạy" trước Dự thảo Nghị định vàng.
Thị trường vàng "xôn xao" là dễ hiểu bởi lần đầu tiên, Công ty Vàng Bảo Tín Minh Châu, nhà phát hành vàng miếng hiệu Rồng Thăng Long, mạnh tay hạ giá loại vàng miếng này.
Có thời điểm, vàng Rồng Thăng Long được Bảo Tín Minh Châu báo giá bán thấp trên dưới 600.000 đồng/lượng so với vàng miếng của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC).
Trong khi bình thường, mức chênh lệch nhiều cũng chỉ vào khoảng vài chục nghìn đồng/lượng. Tính đến ngày 17-11, Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giá bán còn 45,28 triệu đồng/lượng và mua giá 45,52 triệu đồng/lượng.
Lý giải nguyên nhân niêm yết giá vàng miếng Rồng Thăng Long thấp hơn các thương hiệu khác, Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết là "bị khan tiền mặt".
Nhìn nhận về câu chuyện của Bảo Tín Minh Châu, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại cho rằng, nguyên nhân bắt nguồn từ lực bán vàng miếng Bảo Tín Minh Châu quá lớn từ người dân Hà Nội khi phản ứng quá nhạy trước dự thảo Nghị định về quản lý thị trường vàng do NHNN soạn.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của Bảo Tín Minh Châu có hạn nên dưới áp lực phải mua vào lượng vàng quá lớn cùng một lúc, công ty này sẽ khó xoay sở trước bối cảnh các ngân hàng không cho vay vốn để kinh doanh vàng.
"Người dân đang rất hoang mang và sẽ có những động thái như là bán vàng miếng của thương hiệu khác và mua vàng miếng SJC", bà Cúc nói.
Đồng quan điểm trên, lãnh đạo cao cấp của một doanh nghiệp vàng nhận định, dự thảo Nghị định về quản lý thị trường vàng chỉ cho phép một thương hiệu vàng được lưu hành trên thị trường.
Điều này làm cho người dân có tâm lý lo ngại vì đã mua vàng của các thương hiệu khác từ nhiều năm và cất giữ như một tài sản. Nếu người dân ồ ạt đi bán vàng như hiện nay thì không phải chỉ có Bảo Tín Minh Châu mà cả PNJ, SBJ, ACB… cũng điêu đứng.
Lý do, thứ nhất, bản thân doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính để mua cùng lúc một số lượng lớn như thế; thứ hai, doanh nghiệp mua lại vàng rồi thì bán cho ai? Do vậy, họ phải mua với giá rất thấp để phòng ngừa rủi ro, tạo nên mức giá có sự chênh lệch khá cao so với giá vàng SJC.
Một chuyên gia trong lĩnh vực vàng nhận xét, Bảo Tín Minh Châu hạ giá vàng xuống thấp để thu hút người đi mua mới. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, doanh nghiệp này có vẻ như chưa tính đến việc những khách hàng của mình mua vàng trước đây với giá cao nhưng nay bán lại vàng với giá thấp.
Còn ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Công ty Vàng Agribank cho rằng, cần phải tính toán xem giá vàng của Bảo Tín Minh Châu bán ra có thấp hơn so với giá vàng quốc tế không?
Nếu giá vàng bán ra xấp xỉ với giá vàng thế giới, kể cả khi đã tính các loại thuế, thì có nghĩa Bảo Tín Minh Châu đang bán đúng giá còn SJC đang bán vàng với mức giá cao.
"Bảo Tín Minh Châu tiếp tục hạ giá vàng bán ra có thể sẽ khiến những doanh nghiệp nào thấy mình bán vàng giá cao quá phải tự điều chỉnh lại", ông Trúc nói.
Tuy nhiên, trong một tương quan khác, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận xét, cần phải nhìn nhận đúng câu chuyện này là Bảo Tín Minh Châu đang mua vàng vào chứ không phải là bán vàng ra.
Bảo Tín Minh Châu là 1 trong 8 doanh nghiệp được dập đúc, kinh doanh vàng miếng nhưng nếu căn cứ theo Dự thảo Nghị định vừa qua, trên thị trường tới đây sẽ chỉ tồn tại một loại vàng miếng.
Do vậy, hành động của Bảo Tín Minh Châu có vẻ như để đón đầu câu chuyện trên thị trường vàng thời gian tới sẽ không còn tồn tại vàng miếng hiệu Rồng Thăng Long.
Bảo Tín Minh Châu đưa ra giá bán vàng Rồng Thăng Long thấp thể hiện doanh nghiệp này không kỳ vọng vào người dân mua vàng mà có lẽ chỉ nhằm hợp lý hóa với giá mua vào doanh nghiệp đề ra.
TS. Vũ Đình Ánh phân tích thêm, Bảo Tín Minh Châu tuyên bố "khan hiếm tiền mặt" có lẽ không phải để "gạ" khách mua vàng mà là "gạ" khách bán vàng. Nếu giả định giá vàng không thay đổi, việc mua vào vàng với giá thấp như vậy, xét về mặt kinh doanh, doanh nghiệp đang kiếm lợi.
Số vàng này sẽ được nấu chảy thành vàng thỏi, không thương hiệu, rồi bán lại cho các doanh nghiệp khác với mức giá thị trường bởi suy cho cùng, "vàng nào chả là vàng".
"Đây là một chiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Đằng nào cũng phải hy sinh thương hiệu sản xuất vàng miếng nên doanh nghiệp tranh thủ 'dìm' giá càng nhiều càng tốt để kiếm lợi nhuận", ông Ánh nhấn mạnh.
Câu chuyện trên cho thấy, những người chấp nhận bán vàng Rồng Thăng Long với giá rẻ hơn giá thu mua vàng SJC có lẽ đã phản ứng quá nhạy cảm với dự thảo Nghị định quản lý thị trường vàng.
Dù SJC có chính thức trở thành thương hiệu vàng miếng duy nhất được chấp thuận lưu hành thì cùng với đó, Nghị định cũng sẽ phải có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho những người hiện đang nắm giữ vàng của các thương hiệu khác.
Chẳng hạn, Nghị định sẽ buộc SJC phải thu mua vàng của các thương hiệu khác với giá hợp lý để dập lại nhãn hiệu.
Dự thảo Nghị định còn phải qua quá trình bổ sung, điều chỉnh trước khi chính thức được ban hành và có hiệu lực pháp lý.
Do người dân đã phản ứng nhạy cảm trước dự thảo, nên cơ quan quản lý cần có thông điệp kịp thời, rõ ràng để người dân khỏi hoang mang, hành động vội vàng, chịu thiệt và gây bất ổn cho thị trường vàng.