Vàng đã làm méo mó thị trường tài chính

Nhu cầu mua USD để nhập khẩu vàng luôn tăng đã làm giá vàng tác động ngược lại USD trong nước khiến thị trường ngoại hối trở nên khó kiểm soát.

Nhu cầu mua USD để nhập khẩu vàng luôn tăng đã làm giá vàng tác động ngược lại USD trong nước khiến thị trường ngoại hối trở nên khó kiểm soát.

Việt Nam nhập siêu vàng

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Ủy ban này vừa thực hiện một cuộc điều tra thử nghiệm với quy mô nhỏ với các hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội trên các phương diện thu nhập, tiêu dùng, tích lũy và đầu tư. Kết quả cuộc điều tra cho thấy: Trên 31% số hộ gia đình được điều tra có đầu tư, tích lũy bằng vàng, trong đó hơn 28% số hộ gia đình có giữ vàng tại nhà; 92% số hộ gia đình giải thích nguyên nhân tích trữ vàng là do thói quen và tâm lý phòng chống lạm phát.

Cũng theo kết quả cuộc điều tra trên, đầu tư bằng vàng và ngoại tệ chiếm tới 17% trong cơ cấu đầu tư. Tỷ lệ đầu tư của Việt Nam hiện vào khoảng 30% GDP (khoảng 30 tỉ USD).

“Những con số này nói lên một nguồn lực tài chính lớn không đến được nơi trực tiếp tạo ra của cải vật chất mà loanh quanh giữa những kênh đầu tư tài chính, trong đó có vàng và USD. Điều này làm méo mó chức năng cơ bản của hệ thống tài chính là cầu nối giữa tiết kiệm và đầu tư” – ông Lê Xuân Nghĩa bình luận.

Còn theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới. 95% lượng vàng tiêu thụ tại Việt Nam là được nhập khẩu. "Cầu" về vàng ít khi có dấu hiệu giảm trong khi nhu cầu mua USD để nhập khẩu vàng luôn tăng đã làm giá vàng tác động ngược lại USD trong nước.

Bên cạnh đó, một lượng USD trên thị trường tự do được gom để nhập khẩu vàng không chính thức là một phần nguyên nhân khiến sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể âm 10,26 tỉ USD năm 2009, và 4,36 tỉ USD năm 2010. Như vậy, nhà nước đã không thể kiểm soát một lượng lớn giao dịch thanh toán quốc tế trong 2 năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc nhà nước có thể mất khả năng kiểm soát thị trường ngoại hối, đặc biệt là thị trường ngoại hối không chính thức.

Theo báo cáo của GFMS, công ty chuyên phân tích, tư vấn và nghiên cứu về thị trường kim loại quý, từ năm 2006 đến nay, lượng vàng tích trữ vàng miếng ròng của Việt Nam (chênh lệch giữa tổng lượng mua và tổng lượng bán vàng miếng) đều đứng thứ hai thế giới, sau Ấn Độ, chiếm 23-29,5% lượng tích trữ toàn cầu. Lượng tiêu dùng vàng trang sức của Việt Nam cũng duy trì ở mức 20 tấn/năm, luôn nằm trong top 20 thế giới trong nhiều năm liền.

Theo ông Cameron Alexander – Chuyên gia phân tích cao cấp của GFMS, con số dự trữ vàng của Việt Nam ít nhất là 460 triệu tấn. Cho dù là số liệu nào thì dung lượng thị trường vàng của Việt Nam cũng trong khoảng 21 đến 45 tỷ USD, bằng khoảng 20-45% GDP năm 2010, trong khi ở hầu hết các nước có dự trữ vàng lớn nhất, tỷ lệ này chưa tới 3%.

Ngoài ra, tình trạng nhập lậu vàng đã đạt qui mô rất lớn. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã phát biểu trên Chinhphu.vn ngày 3/4/2011 “Trung bình một năm buôn lậu vàng lên đến 20 – 40 tấn. Buôn lậu vàng rõ ràng liên quan đến một lượng lớn ngoại tệ bị biến mất khỏi tài khoản quốc gia”.

Sớm giảm giao dịch vàng vật chất

Theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, thị trường vàng Việt Nam hiện nay là thị trường vàng vật chất hoàn toàn, trong khi thị trường quốc tế có tới 80% giao dịch vàng trên tài khoản. Giao dịch vàng vật chất đơn thuần chứa đựng nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vì không có các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro, do biến động phức tạp của giá vàng, đồng thời gây nhiều tốn kém, chi phí cho xã hội (vốn kinh doanh, chi phí nhập khẩu, kho bãi, bảo hiểm…).

Ngoài ra, hàng năm phải tiêu tốn một lượng ngoại tệ lớn cho nhập khẩu vàng, gây áp lực cho cán cân thương mại, ảnh hưởng đến công tác điều hành tỷ giá và kiềm chế lạm phát. Ông Nguyễn Thành Long kiến nghị: “Cần thiết lập hành lang pháp lý cho việc kinh doanh vàng trên tài khoản. Tránh gây những cú sốc tâm lý, đe doạ tước đoạt tài sản vàng của người dân không có căn cứ pháp luật”.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thực trạng và biến động của thị trường vàng làm giảm khả năng cung tiền của khu vực ngân hàng cho nền kinh tế. Không những thế, việc không kiểm soát, huy động được nguồn vàng dự trữ này còn làm các nhà quản lý khó khăn trong việc hoạch định chính sách tiền tệ do dựa vào các số liệu thống kê không chính xác.

Giải pháp cho thực trạng này được ông Lê Xuân Nghĩa đưa ra đầu tiên là cần tăng nhanh lượng vàng dự trữ chính thức tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN). “Đây là biện pháp quan trọng vừa cấu trúc lại dự trữ ngoại tệ, vừa vốn hoá một phần lượng vàng dự trữ trong dân chúng. Bên cạnh đó, cần loại bỏ việc sử dụng vàng như một đồng tiền thứ ba bên cạnh đồng tiền Việt Nam, USD” – ông Nghĩa nói.

Đối với thị trường vàng, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần bỏ chế độ cấp quota đối với nhập khẩu và xuất khẩu vàng vốn tạo ra chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội để các cá nhân, doanh nghiệp đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng. Nhà nước nên quản lý thị trường này bằng cách thay đánh thuế xuất nhập khẩu, thuế lợi tức. Thuế suất nhập khẩu vàng nên bằng nhau và không vượt quá 1% vì vàng có giá trị lớn.

Bên cạnh đó, NHNN cần thành lập một cơ quan quản lý thị trường vàng, quản lý vàng dự trữ, đúc vàng khối và các giao dịch vàng giữa NHNN và các ngân hàng thương mại, các công ty kinh doanh vàng có uy tín ở Việt Nam để tiến hành các hoạt động, giám sát thị trường vàng ngày càng phức tạp này.

Cho phép thành lập sở giao dịch vàng quốc gia thuộc sở hữu nhà nước dưới hình thức công ty TNHH một thành viên với hai sàn giao dịch ở Hà Nội và TP HCM, chịu sự giám sát trực tiếp từ NHNN.

Cùng chia sẻ quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định: “Việt Nam cần xây dựng thị trường vàng công khai, minh bạch phù hợp với thông lệ quốc tế. Muốn quản lý được thị trường vàng trước hết phải quản lý được nhập khẩu lậu vàng, quản lý ngoại tệ để có thể buôn lậu vàng, rồi mới đến quản lý và kiểm soát hoạt động của 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng trong nước. “Thử hỏi nếu không có số vàng nhập lậu lớn thì các cửa hàng kinh doanh vàng sẽ hoạt động như thế nào?” – TS Lê Đăng Doanh nói.

Sàn vàng là một hình thức tổ chức thị trường rất phổ biến trên thế giới, có mô hình quản lý chặt chẽ thì bị đóng cửa vì sàn vàng ở Việt Nam mang tính đầu cơ. Tính đầu cơ ở sàn vàng Việt Nam liên quan đến nhiều vấn đề quản lý Nhà nước và tổ chức của sàn vàng, trong đó có qui định ký gửi vốn thấp (8-12%) nhưng lại được kinh doanh vàng vượt số vốn đăng ký đến trên 10 lần.

Các chuyên gia đều đồng tình với việc hình thành thị trường vàng được quản lý theo khung pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc của thị trường vàng. Việc thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia là những kiến nghị tiến bộ, phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam nên được ủng hộ và sớm được thực hiện.

Các tin khác