Tuy nhiên, giá vàng vẫn thất bại trong việc vượt lên ngưỡng 1.700 USD/oz bất chấp BOJ cam kết kích thích tiền tệ không giới hạn.
Lúc 6h37’, giá vàng giao ngay trên Kitco đứng ở 1.692,4 USD/oz, tăng 2,3 USD so với chốt phiên trước đó.
Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 2 chốt phiên tăng 0,4% lên 1.693,2 USD/oz. Tuần trước, giá vàng tăng 1,6% lên 1.697,8 USD/oz, cao nhất kể từ ngày 18-12.
Giá vàng được hỗ trợ tăng khi hôm qua 23-1, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định nâng mục tiêu lạm phát lên 2% dưới sức ép của chính quyền thủ tướng Shinzo Abe. Ngoài ra, BOJ cũng cam kết mua không giới hạn trái phiếu chính phủ và tài sản khác cho đến khi đạt mục tiêu lạm phát.
Động thái này ban đầu làm đồng yên giảm mạnh. Tuy nhiên sau đó, đồng tiền này lại phục hồi so với USD. Giá vàng kỳ hạn tại Tokyo lên cao kỷ lục ở 4.913 yên.
Tuy nhiên, việc BOJ cam kết kích thích không đủ tạo động lực để giá vàng thế giới vượt qua ngưỡng kháng cự chủ chốt 1.700 USD/oz.
“Giá vàng rất cần phải vượt qua mốc 1.700 USD/oz và chốt phiên lên trên mốc này để thu hút lực mua ngắn hạn. Tuy nhiên, lực hỗ trợ không đủ để nâng giá vàng lên ngưỡng này, dù thời điểm nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh là Tết Âm Lịch sắp đến”, Peter Tse, giám đốc hãng tư vấn ScotiaMocatta cho biết.
Nhà phân tích kỹ thuật của Reuters thì cho biết, giá vàng giao ngay cần đứng vững trên 1.694 USD/oz mới có thể tạo được đà tiến tới mốc 1.706 USD/oz.
Trong khi đó tại Hoa Kỳ, vấn đề trần nợ đang tiếp tục được nhà đầu tư theo dõi. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa dự định biểu quyết hôm nay 23-1 để thông qua đề xuất giãn trần nợ của Hoa Kỳ thêm gần 4 tháng đến ngày 19-5. Nhà Trắng nhất trí với đề xuất nâng trần nợ ngắn hạn của đảng Cộng hòa nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ cho nước Mỹ trong 4 tháng tới.