Chỉ còn hơn một tháng nữa là hạn cuối cùng để các ngân hàng tiến hành thu hồi các khoản nợ cho vay bất động sản. Thời điểm nay, doanh nghiệp và nhà đầu tư đều đang ráo riết tìm mọi cách để có được tiền trả nợ.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính cho thấy, dư nợ bất động sản (BĐS) đến tháng 6-2011 khoảng 245 nghìn tỷ đồng trong đó TPHCM 45% và Hà Nội 18%.
Doanh nghiệp xoay trăm phương ngàn kế
Theo lộ trình thì thời hạn 31-12 là hạn chót các ngân hàng thương mại buộc phải đưa dư nợ tín dụng cho vay phi sản xuất về mức 16%. Điều này đang tạo sức ép lớn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp địa ốc ngập trong khoản lỗ.
Thống kê các doanh nghiệp bất động sản lên sàn quý 3/2011 có tới 80-90% doanh nghiệp báo lỗ. Đơn cử, CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà (ITC) gần 38 tỷ đồng (lũy kế từ đầu năm đến nay lỗ gần 81 tỷ đồng), Công ty phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) lỗ 7,17 tỷ đồng, công ty mẹ của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) lỗ đột biến lên đến 119 tỷ đồng. CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (mã TDH) thông báo mức lỗ 5,8 tỷ đồng, Sudico báo lỗ 9,2 tỷ đồng…
Hoạt động kinh doanh lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải xoay sở trăm phương ngàn kế để bán được hàng.
Chẳng cần che đậy, CTCP địa ốc dầu khí đã thẳng thắn công bố đại hạ giá sản phẩm bất động sản xuống mức 35% để lấy tiền trả nợ gần 100 tỷ đồng cho ngân hàng.
Hay mới đây, CTCP Sông Đà Thăng Long đã chấp nhận cắt bớt phần lớn diện tích sàn thương mại để tặng cho khách hàng nộp hết tiền mua căn hộ. Sau khi, chương trình kết thúc Sông Đà Thăng Long cũng thông báo thu xếp trả nợ hơn 1.400 tỷ đồng cho ngân hàng.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp đưa ra các mức khuyến mại hợp lý nhằm kích cầu thị trường. CTCP Tập đoàn Đại Dương thông báo khách hàng mua căn hộ cao cấp StarCity Lê Văn Lương sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 22% tính đến thời điểm nhận bàn giao là tháng 9/2013.
Hay CEO Group triển khai chương trình khuyến mại “Mua nhà hôm nay, tặng ngay Altis” từ ngày 20-10 đến 30-11 áp dụng đối với 10 khách hàng đầu tiên ký hợp đồng mua nhà vườn hoặc biệt thự tại Dự án Sunny Garden City. Quà tặng là 10 ô tô TOYOTA Corolla Altis 1.8 MT….
Nợ chồng lên nợ
Không chỉ lo các khoản nợ vay ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với các khoản nợ thuế ngập đầu trong đó nhiều doanh nghiệp nợ hàng trăm tỷ đồng và cả các khoản phạt chậm nộp cũng lên đến vài trăm tỷ đồng.
Mới đây, một số Chi cục thuế tại địa bàn Hà Nội đã phanh phui “nợ nần” nhiều đại gia lớn ngành bất động sản. Đáng chú ý, HUD - chủ đầu tư khu đô thị Vân Canh nợ gần 400 tỷ đồng tiền gốc, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội còn nợ hơn 220 tỷ đồng tiền gốc. Tại huyện Mê Linh, các chủ dự án nợ 400 tỷ đồng nợ gốc.
Riêng tiền phạt chậm nộp thuế, chủ đầu tư dự án Parkcity – công ty Phát triển đô thị quốc tế VN 152 tỷ đồng, công ty XNK tổng hợp Hà Nội 90 tỷ đồng….
Vẫn khó trả nợ
Mặc dù doanh nghiệp đang nỗ lực hết sức để bán hàng nhưng thị trường gần như miễn nhiễm bởi nguồn tiền cũng không còn nhiều.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho biết, hơn 1 tháng nay ngân hàng đốc thúc khoản nợ vay của công ty nhưng do lượng hàng tồn đọng không thể bán hết được vì vậy khả năng doanh nghiệp sẽ trả được một nữa khoản vay, số còn lại sẽ phải gắn nợ một phần dự án cho ngân hàng.
"Có lẽ thời điểm này thì chẳng ngân hàng nào muốn nhận các dự án bị gắn nợ bởi cái họ cần là tiền mặt. Gán dự án cho ngân hàng thì ngân hàng cũng chẳng biết bán cho ai nhưng cực chẳng đã công ty cố hết sức mà vẫn không xoay đủ tiền" vị giám đốc chia sẻ.
Theo phán ánh của các ngân hàng thương mại, mặc dù ngân hàng dốc hết sức để đôn đốc thu thuế nhưng hầu hết các khoản thu chỉ tập trung các khách hàng cá nhân, còn các chủ đầu tư nợ số tiền lớn thì rất khó bởi ngoài khoản còn có cả khoản lãi suất trong khi thời gian không còn nhiều.