
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,6% do sức cầu bên ngoài yếu và tín dụng thắt chặt. Trong đó, theo chuyên gia WB, dịch tả heo châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Đồng thời, sức cầu bên ngoài yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu.
Giải thích về việc đưa ra dự báo mức tăng trưởng cao trong năm nay, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết sở dĩ đưa ra kịch bản lạc quan là do Việt Nam vẫn còn những lợi thế trước sự dịch chuyển của dòng vốn FDI tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế từ các hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ tạo nhiều cơ hội cho tăng trưởng các tháng cuối năm 2019. Tuy nhiên, trước những phân tích về sự bất định của tình hình kinh tế thế giới, ông Thành cũng cho rằng có thể có 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế cuối năm, trong đó, tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn mức độ lạc quan trên.
Tuy vậy, nhận xét về kịch bản mức tăng trưởng của VEPR, TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo & Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng mức tăng trưởng cao khó có thể xảy ra. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 trong khoảng 6,6 - 6,7% do các động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm đều thấp hơn năm 2018. Theo ông Lực, tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại ở mức hơn 7% so với mức hơn 16% cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018. Tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường chính như EU, Trung Quốc đều thấp hơn năm trước. Riêng với Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên, đây là nước Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thâm hụt thương mại.
Tính chung 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 822.900 tỷ đồng (tăng 10,3% so với cùng kỳ 2018), bằng 33,1% GDP. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (43,6%), tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng trưởng thấp nhất, chỉ khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Ngành công nghiệp và chế biến chế tạo vẫn là nơi thu hút FDI lớn nhất với vốn chiếm tới 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tiếp theo là dòng vốn đổ vào ngành bất động sản cũng tăng, chiếm 10,8% tổng vốn và 6,5% vốn đăng ký mới.
Đáng chú ý, Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2019 của VEPR cũng cho thấy, vốn đầu tư FDI 6 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư FDI tăng 9,7%, cao hơn mức 8,5% của cùng kì năm ngoái, nhưng chưa đuổi kịp được tốc độ của khu vực ngoài nhà nước. Tính đến cuối tháng 6, cả nước có 1.723 dự án cấp phép mới số, vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm 2018. VEPR nhận định, quá trình tăng trưởng vốn đầu tư FDI bất ổn qua các quý từ năm 2018 đến nay. Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ 2018 được hy vọng sẽ gia tăng dòng vốn vào Việt Nam, nhưng thực tế đã không phản ánh điều đó.