'Vết thương' Làng Nủ rồi sẽ chóng lành…

(ĐTTCO) - Cả một thôn với hơn 100 người vùi lấp mất tích trong sạt lở đất chỉ trong một đêm. Đó là thông tin quá đỗi đau lòng và bàng hoàng bởi con số thiệt hại về người quá lớn Làng Nủ, tỉnh Lào Cai.

Những hình ảnh đau lòng tại Làng Nủ.
Những hình ảnh đau lòng tại Làng Nủ.

Nhưng quả thật, sự khẩn trương, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự tương thân tương ái từ cộng đồng người dân khắp cả nước… hy vọng “vết thương” Làng Nủ rồi sẽ sớm mau lành.

Chúng tôi đến Bảo Yên muộn mất 2 tiếng so với dự kiến, bởi tuyến đường 279 sạt lở quá nhiều, xe ô tô không thể qua, phải thay đổi lộ trình bằng tuyến Quốc lộ 70, tuy có sạt lở đất nhưng xe vẫn có thể đi được, chấp nhận “mua đường” thêm hơn 50km.

13 giờ ngày 12-9, chúng tôi mới đến được huyện lỵ Bảo Yên. Phố Ràng - thị trấn từng là trung tâm văn hóa du lịch nổi tiếng của Lào Cai, nay ngập chìm trong bùn đất và đồ đạc của người dân. Không quán sá, không chợ búa, không cả công sở, trường học hoạt động. Tất cả đang tất bật dọn dẹp sau khi nước rút.

Ghé vào một nhà vì thấy tập trung đông người để hỏi thăm đường vào Làng Nủ, và cũng tiện thể xin nước nóng để pha mì, nhưng anh Trần Văn Dương (chủ nhà) sau khi biết chuyện đã dứt khoát không cho chúng tôi… ăn mì tôm, mà “bắt” phải ăn cơm mới chỉ đường cho vào Làng Nủ. Lý do anh đưa ra từ thị trấn vào Làng Nủ, xã Phúc Khánh còn cách huyện hơn 20km đường lại khó đi.

Đó cũng là bữa cơm đặc biệt mà chúng tôi được mời giữa khung cảnh bộn bề của cơn lũ vừa rút khỏi thị trấn, bữa cơm ấm áp tình cảm của người dân vùng lũ khi nhiều nhà cùng góp lại: người thì chạy về nhà bưng nhanh sang nồi cơm còn sót lại, người thì bưng sang tô canh, người đem đến cho chúng tôi đĩa cá khô, đĩa thịt rang…

14 giờ cùng ngày, đi nhờ trên chiếc xe bán tải của đại úy Chu Văn Phong (Công an tỉnh Lào Cai) vào Làng Nủ làm nhiệm vụ, chúng tôi vào đến Làng Nủ. Đập vào mắt chúng tôi là một lòng chảo tan hoang chỉ có bùn đất là bùn đất.

Ở giữa lòng chảo ấy, dòng suối Nủ vẫn chảy, đục ngầu. Một ngôi làng với 37 hộ dân, 158 con người sinh sống, từng được xem là đẹp nhất của xã, giờ đây hoàn toàn biến mất, không dấu tích. Giữa lòng chảo Làng Nủ, dưới cái nắng chói chang và bức bối, giữa mùi bùn đất lẫn mùi xác chết của người và động vật, là hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, quân đội đang làm nhiệm vụ. Tất cả đều chạy đua với thời gian để mong tìm thấy thi thể những người còn mất tích sao cho sớm nhất.

Ám ảnh chúng tôi là sân nhà văn hóa của xã Phúc Khánh - nơi hàng chục cỗ quan tài xếp thành hàng dài, bên cạnh là những người dân Làng Nủ may mắn thoát chết vì không có mặt ở làng khi xảy ra thảm họa, vẫn đang mệt mỏi ngồi chờ tin tức người thân từ lực lượng chức năng tìm kiếm dưới ánh nắng chiều gay gắt.

Những ánh mắt thẫn thờ, khô khốc vì đã khóc quá nhiều. Chúng tôi muốn hỏi chuyện nhưng không dám hỏi quá lâu, vì khi nhắc đến người thân, tất cả lại đều òa khóc. Những gương mặt đau khổ đó chúng tôi không thể nào quên, người thì mất đi cả vợ và con, người vẫn chờ tin người cha mất tích chưa tìm thấy, người thì vẫn còn 3 người thân mất tích…, tất cả đã ngồi ở nhà văn hóa suốt 3 ngày để chờ tin từ lực lượng tìm kiếm đang làm nhiệm vụ phía dưới.

Vừa chỉ đạo vừa trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm tại hiện trường, Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Khoa Giám định mùi hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Bộ đội Biên phòng, xúc động nói: “Chúng tôi đã làm công tác tìm kiếm suốt mấy ngày nay, vất vả và nguy hiểm nhưng anh em đều cố gắng. Thương tâm lắm. Tôi đã tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thiên tai nhiều nơi, nhiều vụ, nhưng chưa có vụ nào xót xa như lần này. Chết nhiều người quá! Có gia đình, cả 6-7 người đều chết hết, chỉ sống sót mỗi con trâu”.

Nhìn khung cảnh hoang tàn, tang thương của Làng Nủ sau trận lũ quét và sạt lở đất, ít ai biết rằng, nơi đây từng là một trong những bản đẹp nhất của huyện Bảo Yên, thậm chí vùng này còn đang thí điểm nuôi thử cá tầm nước lạnh (tận dụng nước từ khe suối Nủ chảy ra), và dự định đưa vào khai thác thành điểm du lịch thiên nhiên với khung cảnh suối Nủ và cánh rừng tuyệt đẹp trên núi Con Voi.

Dãy núi Con Voi chạy song song với sông Hồng và sông Chảy, là “bức tường” tự nhiên phân định địa phận 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, và cũng là nơi cư ngụ bao đời nay của đồng bào các dân tộc Tày, Dao của 2 tỉnh này. Rừng đã bao bọc, chở che, mang lại cho bà con nơi đây những sinh kế vững bền. Thiên nhiên cũng mang tới mạch nguồn mát lành, là điều kiện để những mô hình nuôi cá nước lạnh dần xuất hiện, giúp cuộc sống của bà con nơi đây thêm khởi sắc.

Làng Nủ là thôn bản cuối của xã Phúc Khánh. Điểm cuối là núi Con Voi - điểm tiếp giáp phân mốc của 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Bên này là huyện Bảo Yên (Lào Cai), bên kia là huyện Lục Yên (Yên Bái) - được mệnh danh là “thủ phủ” đá quý của miền Bắc. Cả hai địa danh đều có chung một chữ “Yên” (yên bình), nhưng thiên tai đã đổ xuống nơi đây, gây ra thảm họa, không hề yên bình như ý nghĩa cái tên của nó!

“Lớp áo” ngoài cùng của dãy núi Con Voi là khu vực rừng sản xuất do Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên quản lý, một phần diện tích đã được khoán cho các hộ dân. Nhiều diện tích rừng kém hiệu quả đã được người dân chuyển đổi sang trồng quế.

Những năm gần đây, giá thu mua quế tăng cao, nhờ đó đời sống người dân cũng được nâng lên. Cánh đồng ở lòng chảo Làng Nủ như món quà mà tạo hóa ban tặng cho dân làng nơi đây, vì tấm chân tình của họ với muôn loài trên dãy Con Voi.

Được bao phủ bởi một màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh, những dải đồi thấp quanh dãy Con Voi rất màu mỡ lại không phải lo về nguồn nước tưới, thuận lợi để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Trước khi lũ quét xảy ra, Làng Nủ còn có mô hình trồng chanh leo, chăn nuôi trâu hàng hóa rất hiệu quả. Thậm chí, ở khu vực giáp ranh giữa 2 xã Phúc Khánh và Lương Sơn, một dự án nông - lâm nghiệp tập trung gồm chăn nuôi gia súc; trồng cây ăn quả; sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao và kết hợp trồng rừng sản xuất với diện tích hơn 300ha đang được một doanh nghiệp triển khai.

Nhưng tất cả giờ đây chỉ còn lại là một vùng hoang tàn. Cơn lũ đã cuốn phăng và vùi lấp đi tất cả.

Ông Dương Đức Huy, trước khi đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, đã có thời gian hơn 10 năm gắn bó với huyện Bảo Yên với vai trò Bí thư, Chủ tịch huyện Bảo Yên. Ông Huy thông tin: tổng diện tích khu vực sạt lở tại Làng Nủ khoảng 24ha, chiều dài khoảng 1,3km tính từ điểm đầu đến điểm cuối vùng sạt lở, chỗ rộng nhất là 250m.

Ông Hoàng Văn Vọng, 52 tuổi, người Làng Nủ may mắn sống sót, vì đêm trước khi xảy ra thảm họa do có việc nên ông đã sang bản bên và ngủ lại, đã mất đi người vợ lẫn đứa con trai duy nhất của mình. Thi thể vợ đã được tìm thấy, còn đứa con trai thì vẫn mất tích.

Đứng lên một xác cây to bị lũ cuốn đang vắt ngang đống sạt lở, chỉ tay ra phía xa “vẽ” bản đồ Làng Nủ trước khi bị vùi lấp, giúp tôi có thể hình dung bức tranh toàn cảnh: Làng Nủ trước đây gồm 2 thôn là thôn Nủ 1 và thôn Nủ 2, đến năm 2022 thì sáp nhập lại thành một.

Vùng bị sạt lở, vùi lấp là thôn Nủ 2 với 37 hộ dân, số lượng 158 khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày. Nhưng khi hàng triệu mét khối đất đá từ núi Con Voi kéo xuống vùi lấp, cả thung lũng bình yên này đã bị xóa sổ, bây giờ chỉ còn trong trí nhớ.

Như muốn cho tôi dễ hình dung, ông Vọng đã chỉ tay cho tôi xem vị trí từng là điểm đứt gãy của núi Con Voi - nơi “tuồn” ra hàng triệu mét khối đất đá vùi lấp cả một bản làng gần 40 hộ dân với hàng trăm con người, giờ đây chỉ còn lại một vùng thoai thoải.

Nơi đó, theo ông Vọng, điểm đứt gãy đã xuất hiện từ hàng chục năm nay, mà ông đoán là từ trận mưa lũ lịch sử ở vùng này năm 2008. Sau nhiều năm, cộng hưởng với mưa lớn vừa qua, khe nứt ấy đã trở thành điểm hút nước khắp nơi đổ về và trở thành “túi nước” khổng lồ trên núi Con Voi, chực chờ đổ xuống đầu dân làng mà không ai hay!

Giữa mênh mông bùn đất bủa vây, ông Vọng xúc động nói: “Con suối cũ nằm ngay dưới chân nơi tôi và anh đang đứng. Khi chưa bị vùi lấp, nó nằm ở độ sâu khoảng chục mét. Hai bên con suối là cánh đồng màu mỡ và một bản làng bình yên. Nhưng giờ đây, nó chỉ còn là hoài niệm”.

Chiều muộn 12-9, trong ánh hoàng hôn nặng nề và mặt đất vẫn còn nồng mùi bùn đất, Thủ tướng Phạm Minh Chính sau một hành trình dài đi kiểm tra, thị sát các vùng thiên tai, đã có mặt tại tâm lũ Làng Nủ. Người đứng đầu Chính phủ đi ủng, chống gậy lội suối, trực tiếp thị sát hiện trường. Với người dân vùng tâm lũ và hàng trăm người đang triển khai nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, sự có mặt của Thủ tướng là một động lực lớn giữa những bộn bề, tang thương.

Chứng kiến những mất mát của người dân Làng Nủ, người đứng đầu Chính phủ đã bật khóc. Tại hiện trường, Thủ tướng chỉ thị: Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền Lào Cai đối với vùng tâm lũ, đó là sớm ổn định đời sống người dân, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Và quan trọng nhất, là tái thiết lại cuộc sống người dân Làng Nủ sau khi cơn lũ đi qua.

Ngoài việc yêu cầu các lực lượng chức năng phải tiếp tục tập trung tìm kiếm người mất tích, đồng thời yêu cầu thay đổi phương thức tìm kiếm để đảm bảo hiệu quả tốt nhất trong thời gian ngắn, Thủ tướng nhấn mạnh việc chăm sóc kịp thời cho những người bị thương, tránh để tình trạng sức khỏe của họ trở nên xấu đi. Bên cạnh công tác cứu nạn, Thủ tướng yêu cầu địa phương nhanh chóng triển khai dọn dẹp vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh, khôi phục lại giao thông nhằm đảm bảo việc liên lạc và tiếp tế cho người dân vùng lũ.

Thủ tướng cũng lệnh cho các cấp và chính quyền tỉnh Lào Cai khẩn trương khảo sát, quy hoạch lại Làng Nủ. Các cơ quan chuyên môn phải đánh giá vị trí an toàn để tái định cư cho người dân, với hạn định hoàn thành trước ngày 31-12-2024. Mục tiêu là tạo ra một nơi ở mới an toàn, tiện nghi cho người dân với đầy đủ điều kiện sinh hoạt như điện, nước… và môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài và an toàn cho người dân sau thảm họa thiên tai. Rõ ràng, việc tìm kiếm người mất tích trong lũ là việc cần kíp. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng không kém, đó là tái thiết, ổn định cuộc sống cho người dân vùng lũ.

Cũng trong chiều 12-9, cán bộ kỹ thuật địa chính đã tiến hành đo đạc thực địa, cắm mốc định vị khảo sát khu đất dành cho dự án. Chiều 15-9, UBND tỉnh Lào Cai thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, lãnh đạo huyện Bảo Yên, cùng đoàn cán bộ Đại học Mỏ - Địa chất, chuyên gia khảo sát thực tế đã chốt phương án bố trí khu vực tái định cư Làng Nủ.

Đó là đồi sim cách làng cũ khoảng 3km, cao ráo, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước và được 100% người dân biểu quyết thống nhất. Ngay sau đó, ngày 16-9, máy móc đã được đưa vào đo đạc, giải phóng mặt bằng và thi công để hoàn thành trước 31-12. Khu tái định cư trước mắt dành cho 37 hộ bị lũ quét vùi lấp và những nhà ở vị trí thấp, không an toàn.

Nhà tái định cư sẽ xây theo lối nhà sàn của người Tày, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế. Khu vực này vẫn thuộc thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Nhà xây xong sẽ tổ chức bốc thăm trước khi bàn giao để đảm bảo công bằng.

Thời gian sẽ giúp làm kín và chữa lành vết thương. Cũng như bao nỗi đau do thảm họa thiên tai gây ra khác, theo thời gian, nỗi đau của người dân Làng Nủ nói riêng và vùng đất biên cương Lào Cai nói chung, cũng sẽ dần nguôi ngoai.

Hẳn có lúc, về sau trong ký ức về Làng Nủ không chỉ đơn thuần là nỗi đau do thảm họa thiên tai gây ra, mà ở đó còn có cả sự sẻ chia, đùm bọc, là tinh thần tương thân tương ái và cũng là nơi thể hiện rõ nhất ý nghĩa từ “đồng bào” của người Việt.

Các tin khác