Vị hoàng đế đầu tiên xây dựng chế độ quân chủ tập quyền

(ĐTTCO) - Đầu Xuân Giáp Thìn, chúng tôi về thăm cố đô Hoa Lư bên sông Hoàng Long khi chuẩn bị kỷ niệm 1.100 ngày sinh và 1.045 ngày mất Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên xây dựng chế độ quân chủ tập quyền của nước ta.

Lễ hội cố đô Hoa Lư luôn có tục rước nước từ sông Hoàng Long về đền vua Đinh để tế thần linh.
Lễ hội cố đô Hoa Lư luôn có tục rước nước từ sông Hoàng Long về đền vua Đinh để tế thần linh.

Dù vùng đất thiêng đang thay đổi mạnh mẽ, nhưng những bí ẩn lịch sử về Đinh Tiên Hoàng và những nhân vật xung quanh ông mãi mãi là những câu chuyện quyến rũ các thế hệ sau không ngừng tìm cách giải mã.

Rồng vàng bất ngờ hiện lên đưa thủ lĩnh chăn trâu qua sông

Hoàng Long có nghĩa Rồng Vàng. Sông Hoàng Long xưa còn có tên Đại Hoàng. Chuyện rằng, Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ nhà nghèo phải đi chăn trâu cho người chú ruột là Đinh Thúc Dự. Được lũ trẻ mục đồng yêu quý tôn làm thủ lĩnh, cậu bé họ Đinh bày trò chơi cờ lau tập trận, tự xưng vương, với hai bên tả hữu là Đinh Điền và Nguyễn Bặc hộ vệ.

Đinh Bộ Lĩnh còn tổ chức lễ khao quân, làm thịt một con trâu của người chú để tế lễ và chiêu đãi “ba quân”. Nghe tin, ông Đinh Thúc Dự tức giận cầm gươm chạy ra đồng đuổi đánh đứa cháu ngỗ nghịch. Đinh Bộ Lĩnh cùng bạn chăn trâu chạy trốn, tới bến đò Trường Yên cùng đường, nước lớn sông rộng mà không có đò. Bỗng từ lòng sông sóng cuộn dâng lên, rồng vàng xuất hiện đón Đinh Bộ Lĩnh đưa sang bờ bên kia.

Đinh Thúc Dự đuổi tới bờ sông Đại Hoàng, thấy rồng vàng cõng đứa cháu càng thất kinh, bèn cắm gươm xuống đất chắp tay quỳ lạy theo. Con sông này từ ấy mang tên Hoàng Long, còn nơi Thúc Dự cắm gươm mọc lên ngọn núi được dân gian gọi là núi Kiếp Lĩnh (Cắm Gươm), con đường Đinh Bộ Lĩnh trốn chạy từ đồng ra sông nay là đường Vua Đinh.

Từ truyền thuyết này, Lễ hội cố đô Hoa Lư luôn có tục rước nước từ sông Hoàng Long về đền vua Đinh để tế thần linh.

den-tho-vua-dinh-o-hoa-lu-1-1621.jpg
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Ngược dòng lịch sử có thể thấy sông Hoàng Long ghi đậm dấu ấn ngàn năm chống giặc ngoại xâm phương Bắc thuộc ở thế kỷ 10, hình thành nên một kinh đô trên bến dưới thuyền đầu tiên của nước ta.

Gắn với những dấu tích huyền thoại của vua Đinh Tiên Hoàng - vị hoàng đế đầu tiên khai sáng, khẳng định nền độc lập tự chủ hoàn toàn cho nước Nam bấy giờ, với quốc hiệu là Đại Cồ Việt so với phương Bắc - sông Hoàng Long còn là nơi vua Lý Công Uẩn khởi hành dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, tức Thăng Long vào năm 1010.

Đến thời nhà Trần, sông Hoàng Long với cố đô Hoa Lư là căn cứ địa chống quân Nguyên Mông.

Hoàng đế khai sáng thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc

Đinh Tiên Hoàng sinh thời được gọi Đinh Bộ Lĩnh, có sách nói ông họ Đinh tên Hoàn, còn Bộ Lĩnh là tước quan của sứ quân Trần Lãm phong cho ông, nên còn gọi là Đinh Bộ Lĩnh. Sinh ngày rằm tháng Hai năm Giáp Thân (tức 22 tháng 3 năm 924), ông quê ở thôn Kim Lự, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng, nay là thôn Văn Bồng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Cha là Đinh Công Trứ dưới thời nhà Ngô từng làm Thứ sử châu Hoan nhưng mất sớm, nên cậu bé họ Đinh phải theo mẹ là Đàm Thị về quê nương nhờ chú ruột là Đinh Thúc Dự.

Nếu trong dân gian lưu truyền chuyện rồng vàng cõng thủ lĩnh mục đồng qua sông Hoàng Long, thì trong chính sử Đại Việt sử ký toàn thư viết về Đinh Tiên Hoàng với những chi tiết đời thực hơn: “Vua lúc còn nhỏ chơi cùng với lũ trẻ chăn trâu ngoài đồng, lũ trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, nên cùng nhau tôn làm trưởng.

Phàm khi chơi đùa, tất bắt chúng khoanh tay làm kiệu để khiêng và lấy hoa lau đi hai bên để rước như là nghi vệ thiên tử. Ngày rỗi sang đánh trẻ con thôn khác, đến đâu chúng đều sợ phục, rủ nhau hàng ngày đến kiếm củi thổi cơm để phục dịch. Phụ lão bảo nhau rằng đứa trẻ này khí độ như thế, tất sẽ làm nên việc…”.

Năm 944, Ngô Quyền - nhà vua sáng lập triều Ngô - băng hà. Em vợ ông là Dương Tam Kha, con trai Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, tiếm ngôi tự xưng là Bình vương. Một thời gian sau, 2 con trai của Ngô vương là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn đánh bại Dương Tam Kha, lấy lại quyền lực và cùng làm vua điều hành triều chính.

Tuy nhiên, từ đây nhà Ngô dần suy vi, đất nước rơi vào loạn lạc, quan lại và thổ hào có thế lực ở các địa phương nổi dậy cát cứ khắp nơi. Đinh Bộ Lĩnh tập hợp lực lượng, lấy động Hoa Lư làm căn cứ, xây dựng thế lực ngày càng hùng mạnh.

Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh mất. Hơn 10 năm sau, Ngô Xương Văn bị chết trận. Chính quyền trung ương nhà Ngô do Ngô Xương Xí kế nghiệp dần tan rã. Đất nước càng thêm rối loạn cắt chia. 12 sứ quân nổi lên cát cứ khiến đất nước loạn lạc, nhân dân điêu đứng.

Triều đình phương Bắc nhăm nhe đưa quân sang. Đinh Bộ Lĩnh quyết tâm dẹp loạn. Ông cùng con trai Đinh Liễn và các thuộc tướng Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp, Lê Hoàn, Nguyễn Thân… lần lượt hàng phục đánh tan các sứ quân, chấm dứt tình trạng phân chia cát cứ, thống nhất đất nước.

Năm Mậu Thìn 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, tôn hiệu Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, xây dựng cung điện, đặt lễ nghi triều chính, đến năm 970 đổi niên hiệu là Thái Bình. Đây là dấu mốc rất quan trọng trong lịch sử dân tộc, khi người đứng đầu quốc gia chính thức xưng hoàng đế như sự khẳng định về nền độc lập, tự chủ hoàn toàn.

Sau thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc, Đinh Tiên Hoàng đã mở ra thời đại quân chủ phong kiến tập quyền trong lịch sử nước ta, khi các triều đại kế tiếp sau này các vua đều xưng hoàng đế: Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Nguyễn.

Đặc biệt, vua Đinh còn ra lệnh đúc đồng tiền “Thái Bình hưng bảo” thêm phần khẳng định sự tự chủ về kinh tế. Trong Việt giám thông khảo tổng luận, nhà sử học Lê Tung đã viết về Đại Thắng Minh Hoàng Đế: “Vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy”.

Còn trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhà sử học Lê Văn Hưu bình luận: “Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?”.

Các tin khác