Miền ngược, miền xuôi đều thấp thỏm
Khu vực gần hồ Ban Tiện (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vừa xảy ra vụ lũ quét mang theo bùn đất vùi lấp nhiều ô tô. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra ở Hà Nội. Tại hiện trường, đất đá vùi lấp 13 ô tô của khách du lịch. Các chủ xe cho biết, trời mưa to, họ đang ở trong các khu nghỉ dưỡng thì nghe tiếng ầm ầm, chạy ra chỉ thấy nước lũ đỏ ngầu, chảy xiết, cuốn theo đất đá tràn qua. Lượng đất, đá nhiều tới mức, chính quyền xã Minh Phú phải huy động 3 máy xúc cứu hộ nhiều tiếng đồng hồ mới đưa được các xe mắc kẹt ra ngoài.
Nhiều người cho rằng, lũ quét ở Sóc Sơn (Hà Nội) là tình trạng đã được dự báo từ nhiều năm trước, khi xuất hiện phong trào “bỏ phố về rừng”, đua nhau xây dựng homestay, khu nghỉ dưỡng tại đây. Cách đây 20 năm, nhiều xã ở Sóc Sơn vẫn còn bạt ngạt rừng thông, rừng keo, nhưng giờ đây chen vào đó là nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng với tường rào cao bao quanh.
Quanh khu vực hồ Ban Tiện (xã Minh Phú), hồ Đồng Đò (xã Minh Trí)…, khu nghỉ dưỡng mọc lên như nấm, đồi núi bị san ủi, xây dựng trái phép. Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, khẳng định, xóm Ban Tiện có sự chồng lấn, xen kẽ giữa đất rừng và đất ở. Tại đây, có một số công trình, homestay xây dựng trái phép. Tuyến đường bị đất đá vùi lấp do các hộ dân tự ý đổ bê tông, không nằm trong quy hoạch, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2023 đến ngày 21-7, đã có 37 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.
Từ cuối tháng 7, mưa lũ, sạt lở tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là ở Tây Nguyên và miền Bắc, khi bước vào giữa mùa mưa. Chỉ trong tuần đầu tháng 8, riêng miền Bắc đã xuất hiện 167 vị trí sạt lở trên nhiều tuyến đường giao thông, tập trung ở khu vực Tây Bắc. Các trận mưa đã tàn phá nặng nề tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên…
Tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) xuất hiện lũ ống gây sạt lở, sập hỏng gần 100 vị trí dọc quốc lộ 32 và các cung đường từ Mù Cang Chải đi các xã, cô lập hoàn toàn 2 xã Hồ Bốn và Khao Mang. Trong gần 100 điểm sạt lở ở Mù Cang Chải, có 3 điểm sụt cả mảng lớn, với mỗi đoạn dài khoảng 100m, “ăn đứt” các con đường.
Dưới hút, trên lở
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xảy ra hơn 200 vụ sạt lở, với tổng chiều dài trên 4.900m, trong đó hơn một nửa là đường bê tông nông thôn. Hầu hết các vị trí sạt lở đều ảnh hưởng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, gây chia cắt trục giao thông nông thôn, ước thiệt hại về tài sản hơn 14 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thông tin, trước thực trạng trên, địa phương đã và đang tập trung nhiều giải pháp để ứng phó, khắc phục nên hạn chế được nhiều thiệt hại. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực sạt lở nâng cao nhận thức được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
An Giang và Đồng Tháp là hai địa phương đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu có tổng số điểm sạt lở cao nhất khu vực ĐBSCL. Tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, trong đó, khai thác cát được xem là một trong 6 nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở. Hoạt động khai thác cát trên sông Mekong đang diễn ra mạnh mẽ tại tất cả các quốc gia, đặc biệt ở hạ lưu.
Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng là một trong những nguyên nhân gây sụt lún, tác động không nhỏ đến sạt lở bờ sông, bờ biển. Theo Bộ TN-MT, vùng ĐBSCL hiện có 7.733 giếng, với công suất mỗi giếng khoảng 10m3/ngày, đã gây ra nhiều hệ lụy.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, từ năm 2020 tới nay, tỉnh đã xử lý ổn thỏa 22 điểm sạt lở bờ sông, di dời hàng chục hộ dân, cơ sở kinh doanh cá thể tới nơi an toàn. Tỉnh An Giang bị sạt lở chủ yếu do hoạt động khai thác cát, nên giải pháp xây kè ven sông gần như không đạt hiệu quả, mà trước mắt chỉ di dời dân tới nơi an toàn.
Để ứng phó sạt lở, từ nay đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang cần đầu tư xây dựng tổng số 200 công trình phòng chống sạt lở bờ biển, với tổng nguồn kinh phí thực hiện hơn 17.000 tỷ đồng. Các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An và TP Cần Thơ cũng ưu tiên giải pháp trồng rừng, gia cố bờ sông nhằm hạn chế sạt lở.
Những nơi còn đai rừng bảo vệ thì gia cố trồng thêm. Nơi nào không còn thì chọn giải pháp cứng hóa 3 mặt đê bao ngăn sạt lở. Chiều cao thân đê cũng được các địa phương thống nhất điều chỉnh từ 1,6m lên khoảng 2,2m để thích ứng với kịch bản nước biển dâng.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho hay, trước tình trạng sạt lở bủa vây, tỉnh vừa đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai xem xét trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh về kinh phí thực hiện các công trình cấp bách tại địa phương, như: hoàn thiện hệ thống thủy lợi bảo vệ vườn cây ăn trái; xây dựng hệ thống đê bao và các cống ngăn mặn ở cù lao các huyện phía Tây; hỗ trợ kinh phí đầu tư 11 dự án xử lý khẩn cấp sạt lở…
Chiều 8-8, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), cho biết, các lực lượng của huyện đang nỗ lực khắc phục sạt lở, sớm thông tuyến đường huyết mạch từ thị trấn Mường Xén đi các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải.
Mấy ngày qua, do mưa lớn kéo dài nên tuyến đường này xảy ra nhiều điểm sạt lở nguy hiểm, đất đá trên núi đổ xuống khiến các phương tiện không thể lưu thông. Ngoài ra, trên quốc lộ 7, đoạn từ Mường Xén đi cửa khẩu Nậm Cắn, xảy ra một số điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. Tình trạng sạt lở cũng xảy ra tại một số điểm dân cư ở xã Đoọc Mạy, Mỹ Lý, Na Loi.
Cùng ngày, ông Nguyễn Trường Thành, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, thông tin, qua khảo sát, đến nay trên địa bàn tỉnh có 169 vị trí, khu vực có nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở đất, ảnh hưởng đến 3.064 hộ/12.283 nhân khẩu.