Kết quả điều tra mới nhất (từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2015) cho thấy người Việt đang thiếu trầm trọng bốn vi chất dinh dưỡng là iôt, sắt, kẽm và vitamin A... Đáng chú ý là so với điều tra năm 1995, tình trạng thiếu vi chất không được cải thiện nhiều.
Thiếu vi chất, thừa thời gian... ngồi
TS Trần Thúy Nga, trưởng khoa vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), cho biết các mục tiêu giảm thiếu vi chất dinh dưỡng đặt ra cho năm 2015 đều không đạt.
Theo đó, trên 80% phụ nữ có thai ở VN trong diện khảo sát thiếu kẽm, tỉ lệ này đặc biệt cao ở miền núi (87%). Ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, tỉ lệ thiếu kẽm gần 69,5%, được đánh giá nguy cơ mức quốc gia về thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Trong khi theo bà Nga, thiếu kẽm làm chậm phát triển chiều cao, cản trở sự phát triển trí lực và thể lực do trẻ thiếu kẽm thường ăn uống kém, rối loạn giấc ngủ, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Thiếu vitamin A dẫn đến chứng khô mắt cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển của xương và liên quan tới tăng trưởng.
PGS-TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỏ ra rất lo ngại khi 20 năm can thiệp mà tình trạng thiếu vi chất ở VN không giảm nhiều. Bà Mai cho biết trẻ em VN đang có các thói quen cản trở phát triển chiều cao, sức bền, trong khi đây là lứa tuổi phát triển mạnh về chiều cao và thể lực.
“Có đến 34 - 36% trẻ 13 - 15 tuổi dùng trên 3 giờ/ngày để... ngồi, có thể ngồi ăn, học, chơi, xem tivi hoặc lướt web, ở đây chúng tôi nói là ngồi ở nhà chứ ở trường không tính. Với thanh thiếu niên 16 - 17 tuổi, tỉ lệ ngồi trên 3 giờ/ngày ở nhà còn lên đến 49 - 50%. Ở tuổi 13 - 15, có đến 10 - 22% trẻ tùy trai hay gái từng dùng đồ uống có cồn. Năng lượng nạp vào nhiều nhưng vận động ít, mà dinh dưỡng - vận động không hợp lý sẽ là tiền đề của béo phì, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, tim mạch... tương lai” - bà Mai cho biết.
Thiếu là do thói quen?
Thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với 10 hộ gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho thấy hầu như những phụ huynh này đều khẳng định ngoài cơm, thịt, cá còn bổ sung rau củ vào bữa ăn cho trẻ.
Bột mì ngừa thiếu sắt và kẽm Đề xuất bắt buộc bổ sung iôt vào muối, vitamin A vào dầu ăn, sắt và kẽm vào bột mì đã được đệ trình lên Chính phủ nhằm giảm thiếu vi chất dinh dưỡng cho người Việt. Tuy nhiên, hiện chưa tìm ra thực phẩm chính để can thiệp thiếu kẽm và sắt do người Việt không sử dụng bột mì nhiều. Việc bổ sung sắt và kẽm vào bột mì ở các nước dùng bột mì đã giảm tỉ lệ thiếu máu do thiếu sắt từ 15% còn 10% sau năm năm. |
Tuy nhiên việc thực hiện lại chưa đạt, cơ cấu bữa ăn chính của những hộ này chủ yếu là món mặn (thịt, cá, trứng...) và một loại rau, củ (có thể xào, luộc, nấu canh), ngoài ra có thể thêm trái cây tráng miệng.
Những trẻ ở độ tuổi ăn giặm thường được quan tâm hơn trong khi ở nhóm trẻ lớn hơn thì thường ăn chung theo thực đơn của gia đình, hoặc có khi được cho ăn những món yêu thích trong thời gian dài.
Chị Trần Thị Thùy - 25 tuổi, ở xã Hữu Hòa - cho biết cả nhà không thích ăn cá nên chủ yếu ăn thịt lợn (heo), còn thịt gà, bò, vịt hoặc thủy hải sản... thi thoảng mới ăn, lượng rau củ cũng ít, thường chuộng món xào, nấu hơn đồ luộc. Đây là cách ăn uống trái ngược với khuyến cáo là tăng cường cá, giảm thịt, tăng rau xanh quả chín...
Một chị nội trợ khác là Văn Thị Uyên kể nhiều khi cả nhà ăn liên tục một món do trước đó nấu quá nhiều, trữ trong tủ lạnh, không ngon nhưng vì tiếc của nên phải... cố ăn. Nhà có bốn người thì cả bốn không thích ăn rau nên ăn rất ít.
Theo TS Trần Thúy Nga, có ba lý do dẫn đến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng kéo dài là kiến thức của người chăm sóc trẻ không đầy đủ, họ chọn thực phẩm cho bữa ăn chưa hợp lý. Bên cạnh đó, thực hành dinh dưỡng cũng đầy rẫy vấn đề, khi Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ uống bổ sung viên sắt nhưng tỉ lệ thực hành đúng trong cộng đồng chỉ đạt dưới 10%.
“Lý do thứ ba là ở một số địa phương khẩu phần ăn rất nghèo nàn, đặc biệt là miền núi”- bà Nga cho biết.
VN có 25% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi, 15% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, trong khi đó tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng tỉ lệ trẻ béo phì tương đương mức bình quân các nước phát triển, như nội thành TP.HCM có số lượng trẻ béo phì cao nhất nước và vượt 10%.
Một gánh nặng kép về dinh dưỡng khi nơi thiếu ăn, suy dinh dưỡng, có nơi khẩu phần ăn lại nhiều, thừa chất. Điều này ảnh hưởng đến tương lai của nguồn nhân lực. Tại buổi khai mạc chương trình sữa học đường vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rất băn khoăn khi chiều cao nam thanh niên VN mới đạt 163,7cm, thấp hơn 13cm so với chuẩn chung của thế giới; nữ thanh niên đạt trên 153cm, thấp hơn chuẩn chung trên 10cm.
Tuy nhiên muốn phấn đấu chiều cao, thể lực, sức bền, bên cạnh hiểu biết và thực hành của các gia đình còn cần sự can thiệp của các chương trình quốc gia. Nhưng bốn năm nay chương trình nâng cao thể lực, chiều cao và sức bền người Việt vẫn trên giấy. Việc can thiệp giảm thiếu vi chất thì hiệu quả chưa đáng kể, chúng ta vẫn đang thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng.