Chỉ cần gõ từ khóa “spam tin nhắn” trên thanh tìm kiếm của Facebook, ngay lập tức kết quả trả về hàng chục hội, nhóm cung cấp dịch vụ này, với lời quảng cáo “tỷ lệ thành công 100%”, “cam kết dội bom tin nhắn khách hàng”…
Truy cập vào phần bình luận dưới các bài đăng quảng cáo vừa nêu có thể thấy vẫn có không ít người có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Thông thường, sau khi khách hàng liên lạc với người cung cấp dịch vụ, cả 2 sẽ chuyển qua mạng xã hội khác để chốt giao dịch.
Trong vai người dùng có nhu cầu và trao đổi trực tiếp với cá nhân chuyên kinh doanh dịch vụ spam tin nhắn với nickname CuongSpam SMS trên Telegream, PV được người này quảng cáo là có thể spam mọi nhà mạng, từ Viettel, Vinaphone đến Vietnammibile. Cách thức spam sẽ thông qua 2 dạng, Caster (yêu cầu có phần mềm để chạy dịch vụ) với giá 450đ/sms, và Ex (không cần phần mềm) có giá 350đ/sms.
Người dùng chỉ cần gửi nội dung muốn spam, sau đó chọn số lượng sms và trả tiền! Spam càng nhiều, giảm giá và chiết khấu % càng cao! Đặc biệt, người này còn khẳng định là an toàn tuyệt đối, khách hàng không cần phải lo bất cứ vấn đề nào.
Chuyên gia bảo mật Nguyễn Minh Đức, giám đốc công ty an ninh mạng CyRadar cho biết do mấu chốt là dữ liệu cá nhân khách hàng vốn đã bị lộ lọt từ trước, nên các bên không khó để khai thác, sử dụng trái phép: “Dữ liệu cá nhân của chúng ta vốn đã bị mất hoặc lộ lọt từ trước rồi nên người ta khai thác sử dụng thì mình cũng không có cách nào để mà ngăn cản được, thực tế này là rất đáng tiếc. Bây giờ chỉ có mong sao có những biện pháp mạnh tay, vào cuộc xử lý cứng rắn của cơ quan chức năng để tăng tính răn đe thôi”.
Dưới góc độ Pháp luật, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối khẳng định, việc khai thác, kinh doanh trái phép dữ liệu cá nhân của khách hàng là hành vi phạm pháp: “Rõ ràng đây là hành vi gây rất nhiều phiền toái cho người dùng trong khi Bộ TT&TT đã đưa ra nhiều biện pháp xóa sổ sim rác. Còn việc kinh doanh dịch vụ spam tin nhắn này đã vi phạm quy định của Nghị định 91/2020, mức xử phạt có thể lên đến 100 triệu đồng tùy theo mức độ vụ việc.”
Thời gian qua, nỗ lực của Bộ TT&TT trong việc hạn chế sim “rác”, chuẩn hóa thông tin thuê bao cá nhân đã góp phần đảm bảo quyền lợi cho khách hàng viễn thông. Tuy nhiên không thể ngày một ngày hai đạt được kết quả ngay mà cần thời gian và sự chung tay của xã hội.
Còn trước mắt, theo chuyên gia bảo mật Nguyễn Minh Đức, Giám đốc công ty an ninh mạng CyRadar, cần lưu ý một số vấn đề sau: “Về phía người dùng thì chúng ta cần lưu ý, không cung cấp thông tin cá nhân nếu không thực sự cần thiết tại các trung tâm thương mại, các dịch vụ khuyến mãi, các voucher giảm giá… vì đương nhiên nó là sự đánh đổi, thông tin sẽ bị mua trong trường hợp đó. Chúng ta hạn chế thì sẽ đỡ rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân.
Ngoài ra, về phía các nhà mạng, các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung cấp dịch vụ là các bên nắm nhiều thông tin khách hàng, họ cần có trách nhiệm bảo mật thông tin cho khách hàng của họ. Cũng cần nêu cao vấn đề trách nhiệm của các đơn vị đó nếu thông tin bị lộ ra ngoài. Tôi nghĩ nếu làm tốt từ phía Bộ TT&TT trong giảm sim rác và phối hợp giữa người dùng, cẩn trọng hơn, các bên khác trách nhiệm hơn không bán thông tin… thì có lẽ vấn đề sẽ dễ giải quyết hơn.”
Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối đưa ra cảnh báo với những người đang có ý định sử dụng dịch vụ “spam tin nhắn”, và kỳ vọng nếu các cơ quan chức năng xử phạt mạnh tay theo quy định Pháp luật với hành vi này, sẽ góp phần giải quyết câu chuyện khách hàng bị làm phiền: “Rõ ràng những người có nhu cầu và đi mua dịch vụ spam được coi là đồng phạm, là chủ mưu trong vụ việc vi phạm pháp luật này, và nếu không có nhu cầu thì sẽ không có dịch vụ spam, nên cần xử lý nghiêm người dùng dịch vụ spam, và sẽ bị xử lý cũng theo chế tài giống như người kinh doanh dịch vụ. Thế nên hãy chú ý nếu định có ý định spam tin nhắn. Để ngăn chặn sâu xa hơn, theo tôi chúng ta cần kiến nghị thanh tra kiểm tra với doanh nghiệp cá nhân, tiến tới thu hồi giấy phép kinh doanh nếu vi phạm”.