(ĐTTCO) - Một quỹ đầu tư ngoại sẽ mua 7,73% cổ phần của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Đáng chú ý giá đối tác này mua lại được cho thấp hơn thị giá cổ phiếu Vietcombank đang giao dịch trên thị trường. Nếu thông tin này đúng, Vietcombank hay chính xác hơn là cổ đông của Vietcombank được hay mất?
Phát hành giá thấp
Theo bản thỏa thuận ghi nhớ, Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) sẽ mua 7,73% cổ phần tính trên toàn bộ cổ phần của Vietcombank, tương đương với 305,81 triệu cổ phần. Đây là khoản đầu tư trực tiếp quan trọng đầu tiên của GIC vào một NHTM ở Việt Nam. Theo thỏa thuận, GIC sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Vietcombank. Giá trị của thương vụ này chưa được tiết lộ trong bản tin phát đi của Vietcombank, nhưng theo Hãng tin Bloomberg, GIC sẽ trả khoảng 400 triệu USD (9.000 tỷ đồng) để mua số cổ phần trên. Đây được xem là khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài lớn nhất vào lĩnh vực NH ở Việt Nam trong năm nay. Và nếu thông tin đúng, mức giá GIC mua cổ phiếu (CP) VCB chỉ khoảng 29.130 đồng/CP.
Việc bán cho nhà đầu tư nước ngoài với mức giá thấp hơn thị giá khá nhiều chắc chắn đã được lãnh đạo Vietcombank cân nhắc kỹ. Sau khi hoàn tất việc mua bán, GIC và Vietcombank dự định trở thành đối tác chiến lược của nhau. Nhờ GIC, Vietcombank có thể mở rộng quy mô hoạt động ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí có thể vươn rộng ra nhiều thị trường khác trên thế giới. Ngoài ra, có thể qua GIC, Vietcombank sẽ huy động được một nguồn vốn dồi dào giá rẻ từ các thị trường tài chính quốc tế. |
Trong khi đó, nếu theo giá đóng cửa ngày 29-8 ở mức 57.500 đồng/CP, GIC sẽ phải chi ra khoảng 17.584 tỷ đồng, tương đương 787 triệu USD để sở hữu lượng cổ phần trên. Trong một điều kiện khác, vào tháng 9-2016, Vietcombank sẽ chốt quyền phát hành thêm gần 933 triệu CP thưởng theo tỷ lệ 35%. Tức giá CP VCB sẽ điều chỉnh giảm 35% so với hiện tại, tương đương mức giá điều chỉnh về khoảng 42.000 đồng/CP (giả định giá thời điểm đó 57.500 đồng/CP). Như vậy, so với mức giá GIC dự kiến mua, giá VCB sau khi điều chỉnh vẫn còn cao hơn khoảng 42%.
Tính từ đầu năm đến nay, CP VCB đã tăng 30% và mức giá thấp nhất vào thời điểm đầu năm 38.600 đồng/CP. Đây là 1 trong những CP trên thị trường có sự tăng trưởng tốt trong thời gian qua, được ví như “ngôi sao” của nhóm CP NH được giao dịch cao hơn các CP cùng ngành khác. Vietcombank cũng là một trong 10 NH thực hiện thí điểm Basel II. Do đó hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Vietcombank phải được cải thiện theo chuẩn mới. Trong năm 2016, NH có kế hoạch tăng vốn thông qua 2 đợt để đảm bảo hệ số CAR. Đợt đầu phát hành CP thưởng với tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu, tương đương 9.300 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ lên trên 35.977 tỷ đồng. Đợt thứ 2 phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Mức vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành riêng lẻ toàn bộ CP là 39.575 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư của GIC lần này là một phần trong giao dịch phát hành riêng lẻ 359,78 triệu cổ phần mới của Vietcombank.
![]() |
Giao dịch tại Vietcombank. |
Mục tiêu lớn hơn
Câu hỏi đặt ra là tại sao Vietcombank lại chấp nhận bán với giá thấp hơn khá nhiều so với mức giá của NH đang giao dịch. Liệu Vietcombank có thực sự cần khoản vốn 9.000 hay 10.000 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình. Nói về sự kiện này, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thanh cho biết thỏa thuận này nếu được Thống đốc NHNN và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, sẽ đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa GIC và Vietcombank. Kinh nghiệm và danh tiếng của GIC sẽ mang đến cho Vietcombank sự hỗ trợ cần thiết để Vietcombank đạt được các mục tiêu tài chính và kinh doanh cả ở trong nước và trên thị trường quốc tế. Đồng thời, vị thế dẫn đầu thị trường và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của NH cũng hứa hẹn mang lại hiệu quả cho GIC đối với khoản đầu tư vào Vietcombank.
Trước Vietcombank ít ngày, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm NH Thế giới đã chính thức trở thành cổ đông của NHTMCP Tiên Phong (TPbank). Thông qua hình thức mua CP ưu đãi, IFC sở hữu 4,999% cổ phần tại TPbank có giá trị 403,1 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD). Được biết, TPbank là NH thứ 3 tại Việt Nam được IFC đầu tư rót vốn. Trước đó, IFC là cổ đông chiến lược của ABBank với tỷ lệ sở hữu 10%, VietinBank với tỷ lệ 8,03% cổ phần. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, chưa có nhiều nhà đầu tư nước ngoài nào thêm mua cổ phần NH, dù các nhà băng vẫn ráo riết tìm kiếm trong thời gian qua. Trước khi trở thành cổ đông chính thức, TPbank đã có sự hợp tác với IFC và được IFC lựa chọn là NH đối tác duy nhất năm 2015. Tổ chức này cấp hạn mức tín dụng 10 triệu USD cho hoạt động tài trợ thương mại của TPbank và 5 tháng sau, IFC quyết định tăng hạn mức lên 30 triệu USD cho TPbank. Chính TPbank thừa nhận quan hệ với IFC sẽ mở ra triển vọng to lớn cho NH tăng trưởng hoạt động tài trợ và thanh toán quốc tế với các định chế tài chính trên thế giới.
Về Quỹ đầu tư GIC, đây là công ty đầu tư hàng đầu thế giới với số tài sản đang quản lý trị giá trên 100 tỷ USD. Được thành lập vào năm 1981 để đảm bảo tương lai tài chính của Singapore, GIC quản lý các dự trữ ngoại hối của Singapore. Là nhà đầu tư giá trị dài hạn và kỷ luật, GIC tập trung các khoản đầu tư trên phạm vi rộng các loại tài sản, bao gồm bất động sản, cổ phần tư nhân, các loại vốn cổ phần và thu nhập cố định. GIC có các khoản đầu tư ở trên 40 quốc gia và đã đẩy mạnh đầu tư vào các thị trường mới nổi trong hơn 2 thập niên qua. Với trụ sở chính đặt tại Singapore, GIC có hơn 1.300 nhân sự ở 10 văn phòng tại các thành phố tài chính chủ đạo trên toàn thế giới.
Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng nếu đợt phát hành này của Vietcombank được thông qua sẽ ảnh hưởng đến khả năng nâng vốn cấp 1 của 2 NH khác là BIDV và VietinBank trong 6-12 tháng tới. Bởi cả 2 NH này cũng đang cần nâng cao hệ số CAR trong thời gian tới, trong đó BIDV là trường hợp cấp thiết hơn. Tuy nhiên cũng có phân tích cho rằng giá GIC mua Vietcombank hoàn toàn hợp lý với giá trị nội tại của NH này, bởi việc giá CP Vietcombank hiện nay chưa chắc đã phản ánh đúng giá trị thật của NH này.