Dòng cuối cùng của bản Hiệp định ghi: “Làm tại Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954, lúc 24 giờ, bằng tiếng Pháp và tiếng Việt Nam cả hai bản đều có giá trị như nhau”.
Hai chữ ký bên dưới là của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, người thay mặt Tổng Tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương là Thiếu tướng Delteil.
Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương đã đi vào lịch sử kể từ ngày 20-7-1954. Dòng sông nhỏ gần như vô danh trên bản đồ Tổ quốc trở nên nổi tiếng khi nó chảy dọc từ Tây sang Đông trùng với đường vĩ tuyến 17. Chia đôi đất nước, chia đôi một tỉnh, chia đôi một huyện, một xã... và bao nhiêu gia đình ở đôi bờ này đã mang theo định mệnh phân ly của dòng sông. Phải đến ngày 30-4-1975 hai tiếng hòa bình, thống nhất mới vang lên trên đất nước Việt Nam.
Cũng vì biểu tượng phân ly ấy và cũng chính là biểu tượng của hòa bình, thống nhất mà từ sau ngày non sông liền một dải đến nay, cứ dịp lễ 30-4, quãng sông và cây cầu lịch sử trên vĩ tuyến 17 này được chọn làm nơi tổ chức ngày hội “Thống nhất non sông” với lễ thượng cờ lên kỳ đài ngay bờ Bắc và lễ hội đua thuyền.
Nhìn những mái chèo khua nước rộn ràng trên khúc sông, không thể không nhớ đến câu thơ của nhà thơ Thanh Hải: “Cách nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây”. Đâu chỉ có “trăm núi vạn đèo” mà để vượt khoảng cách “chỉ một mái chèo” ấy, lớp lớp người Việt đã đi ròng rã hơn hai mươi năm với bao nhiêu máu xương thấm đẫm dọc dài đất nước.
Hơn hai mươi năm ấy là hàng triệu người đã ngã xuống, là lịch sử có thêm những “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, là “Điện Biên Phủ trên không”, là “Đoàn tàu không số“ trên Biển Đông, bằng mọi ngã đường để cha mẹ được gặp con, vợ được gặp chồng…
Kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Genève năm nay trùng hợp với thời điểm Quảng Trị đang tổ chức “Lễ hội vì hòa bình” với rất nhiều chương trình lớn diễn ra ở các khu di tích lịch sử quốc gia của tỉnh này. Lịch sử đã chọn một dòng sông của Quảng Trị để trở thành giới tuyến cách chia hai miền Nam - Bắc.
Nhiều người lính ngã xuống để đất nước có ngày thống nhất cũng chọn Quảng Trị là nơi nằm lại: với 72 nghĩa trang liệt sĩ trên toàn tỉnh, trong đó có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 cùng với dòng sông Thạch Hãn - đoạn chảy qua Thành cổ Quảng Trị được ghi nhận như là một “nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ”.
Đến Quảng Trị và nghiêng mình trước những tượng đài Tổ quốc ghi công dựng khắp chốn rừng sâu đến miền biển thẳm, ai nấy đều dâng trào xúc cảm và cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của một ngày hòa bình bình thường.
Khi nhìn vào trang giấy mỏng của bản hiệp định được ký ở Genève vào lúc 24 giờ khuya của ngày 20-7-1954 và nhìn lại chặng đường dân tộc đã lẫm liệt đi qua hơn 20 năm kể từ thời điểm đó đến Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), sẽ càng thấu hiểu khát vọng hòa bình luôn mãi hoài thao thức trong lòng người Việt.
Khát vọng hòa bình, thống nhất đã được hiện thực hóa và chắc chắn khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phát triển sẽ sớm tựu thành!