Nhà thờ đổ độc đáo nằm ngày bên cửa biển Hải Lý.
Vẻ đẹp lung linh bên trong nhà thờ Con Gà.
Nhà thờ Núi giữa TP Nha Trang xinh đẹp.
Vương cung thánh đường Sở Kiện, tỉnh Hà Nam.
Nhà thờ đá Sapa.
Nhà thờ lớn Hà Nội- điểm tham quan hấp dẫn.
(ĐTTCO) - Tráng lệ, kỳ vỹ và cổ kính… đó là những mỹ từ để chỉ các tòa giáo đường (nhà thờ) có tuổi đời hàng trăm năm ở Việt Nam. Sự độc đáo của kiến trúc phương Tây pha lẫn nét Á Đông đã mang lại dấu ấn độc đáo. Chúng tôi có hành trình đi du ngắm, cảm nhận nét đẹp một số giáo đường nhân mùa Noel.
Dạo phố đi bộ ngắm nhà thờ Lớn
Trong hàng chục điểm tham quan, dạo ngắm quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Nhà thờ Lớn (Nhà thờ chính tòa thánh Giuse) chính là điểm nhấn đáng chú ý. Trong lịch sử đất Thăng Long xưa, khu Nhà thờ lớn Hà Nội hiện nay chính là nền móng cũ của chùa Tháp Báo Thiên có từ giữa thế kỷ 11 ( nhà Lý). Năm 1873, sau khi Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất, khu đất chùa Tháp Báo Thiên cũ bị hoang phế đã được giao cho vị Tổng giám mục Paul-François Puginier (1835-1892) cai quản.
Ông cho dựng lên một số căn nhà nhỏ bằng gỗ để những người theo đạo có chỗ cầu kinh, thỉnh nguyện. Đến năm 1883, Tổng giám mục Puginier mới huy động được kinh phí từ nguồn phúc lợi xã hội cùng 2 đợt mở xổ số để xây dựng nhà thờ Lớn như hiện nay. Được khởi công từ năm 1884, công trình chính thức khánh thành vào đúng mùa Giáng sinh năm 1887.
Đây là công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Gotic thời Trung cổ ở châu Âu. Trải qua 132 năm mưa nắng, đi qua nhiều cuộc chiến tranh, đến nay nhà thờ Lớn vẫn còn nguyên vẹn. Nằm trên phố Nhà Chung, tòa giáo đường được mang tên Thánh Giuse- Người cha nuôi của Chúa Giesu, nhìn thẳng ra hồ Hoàn Kiếm. Vào tất cả các ngày, khu nhà thờ Hà Nội luôn đông đúc những đoàn du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngắm, chụp ảnh.
Trong 2 ngày cuối tuần, khu sân và mấy ngõ, phố nhỏ quanh nhà thờ Lớn luôn chật kín do du khách tham quan rất đông. Du khách bị mê hoặc bởi lớp mầu thời gian đen xám phủ lên toàn bộ bề ngoài tòa giáo đường, những nét hoa văn tinh xảo của các ô cửa, thánh giá bằng đá, tượng Chúa vẫn rất sắc nét. Tòa giáo đường có chiều dài 64,5m, rộng 20,5m và 2 tháp chuông cao 31,5m.
Vào dịp lễ Noel hàng năm, nhà nhờ Lớn chính là tâm điểm tìm đến của nhiều người. Khi bước qua cánh cổng chính, mọi người sẽ đắm chìm vào không gian lung linh của ánh sáng. Những bức tranh Chúa bằng kính trên mỗi ô cửa trở nên huyền ảo, nhiệm mầu khi được ánh sáng soi chiếu. Ở gian chính tòa, du khách sẽ được ngắm nhìn tượng Thánh Giuse bằng đất nung cao hơn 2m. Những cây thông Noel khổng lồ lung linh đèn điện cùng với hệ thống các tượng Thánh, Chúa, Đức Mẹ… hiện ra khiến ta ngỡ như mình đang lạc vào thiên đường.
Những nhà thờ đá độc đáo
Những nhà thờ đá độc đáo
Ở 3 điểm tham quan thắng cảnh nổi tiếng miền Bắc là Sapa, Tam Đảo và Ninh Bình có 3 khu nhà thờ cổ được xây bằng đá mang nét kiến trúc ấn tượng, độc đáo. Trong đó, tại trung tâm thị trấn Sapa, nhà thờ đá cổ Sapa được xây dựng từ năm 1895 theo lối kiến trúc Gotic. Toàn bộ nhà thờ từ sân, tường, nền nhà, tháp chuông, bờ kè xung quanh… đều xây bằng chất liệu đá đẽo và được chít mạch bằng hỗn hợp giữa cát, vôi và mật mía.
Nằm ở độ cao gần 1.800m so với mực nước biển, nhà thờ đá Sapa thuộc vào nhóm công trình Thiên chúa giáo cao nhất Việt Nam. Khuôn viên khu nhà thờ đá Sapa rộng 6.000m2, tựa lưng vào núi chân Hàm Rồng, phía trước nhìn ra khu đất bằng phẳng, rộng lớn. Những bức tranh Đức Mẹ, Chúa, Thánh trong các hoạt cảnh, giai thoại được làm bằng kính mầu trên các ô cửa sổ hình vòm tạo ra vẻ đẹp ấn tượng giữa các bức tường đá lạnh lẽo.
Đến Sapa, dừng chân ở khu nhà thờ đá, du khách sẽ được ngắm nhìn, hòa mình vào nhịp sống bình dị, nhiều sắc màu của đồng bào Mông nơi đây. Những em bé Mông mặc bộ trang phục diêm dúa vô cùng đáng yêu ngồi trước nhà thờ để được chụp ảnh, bán đồ lưu niệm cho du khách. Các cô gái và mấy bà lão người Mông ngồi quanh để thêu thùa những sản phẩm thổ cẩm truyền thống độc đáo, đẹp mắt. Nhà thờ đá Sapa đã từng được tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là nhà thờ cổ trên 100 tuổi được nhiều người biết đến nhất.
Cách Hà Nội khoảng hơn 60km, giữa thị trấn Tam Đảo bồng bềnh biển mây là một tòa giáo đường đá rêu phong, cổ kính, lãng mạn. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 người Pháp đã cho xây dựng hơn 120 công trình ở Tam Đảo như: biệt thự, khách sạn, bể bơi, sân thể thao… để biến vùng núi này thành “Hòn Ngọc Đông Dương”, “Đà Lạt của xứ Bắc”.
Nhưng rồi, “Thành phố thuần Pháp” uy nghi, kiêu hãnh trên đỉnh núi ấy đã bị đổ nát, vùi mình trong cây cỏ sau sự tàn phá của chiến tranh, mưa nắng. Đến nay, có lẽ chỉ còn khu nhà thờ đá cổ Tam Đảo được tu sửa vài lần là còn khá nguyên vẹn. Hiện nay, du khách có thể tìm đến thăm nhà thờ đá cổ Tam Đảo ở ngay trên con đường dẫn lên đỉnh Thiên Nhị cao gần 1.400m.
Đứng từ xa, chúng ta đã nhận thấy một kiệt tác kiến trúc tôn giáo bằng đá đồ sộ, mỹ lệ. Vẫn là lối kiến trúc Gotic thời Phục Hưng lãng mạn, hài hòa tạo nên vẻ đẹp trong các công trình, nó từng được ví với sắc đẹp của nàng Mona Lisa trong tranh Leonardo da Vinci. Nhà thờ hiện vẫn còn nguyên 2 tầng, với tầng đế nền cao 10m.
Cầu thang ở 2 bên dẫn lên khu nhà thờ với những bậc đá rêu phong in dấu chân bao người qua lại. Tầng trên có một khoảng sân rộng với sức chứa cùng lúc hơn 100 người đứng cầu nguyện mỗi chiều cuối tuần. Tòa giáo đường chính có diện tích sàn 286m2 (dài 26m, rộng 11m). 2 bên là mấy gian nhà phụ hình lục lăng hết sức độc đáo. Mái nhà được lợp bằng ngói đỏ Đông Dương.
Nhìn từ các ô cửa, cả thị trấn Tam Đảo xinh đẹp, lãng mạn với nhà cửa khang trang, mây vờn trên các giàn rau su su xanh mơn mởn sẽ hiện ra trước mắt chúng ta. Cỏ rêu không thể làm mất đi những đường nét, chi tiết hoa văn nổi trên các khối đá hình ngũ giác, lục giác. Các bạn trẻ rất thích lên khoảng sân trước khu nhà thờ đá cổ Tam Đảo để chụp hình, ngồi ngắm cảnh.
Còn tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, nhà thờ đá Phát Diệm là công trình mang nét kiến trúc khác biệt, độc lạ so với hệ thống nhà thờ, giáo đường ở Việt Nam. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, du khách sẽ thấy nhà thờ đá Phát Diệm được mô phỏng theo lối kiến trúc đình chùa truyền thống ở Việt Nam. Tuy vậy, nó vẫn không mất đi bản sắc của một nhà thờ Công giáo phương Tây. Toàn bộ khuôn viên nhà thờ đá rộng đến 22ha, các hạng mục khu giáo đường được xây dựng bằng chất liệu chính là đá xanh cùng những chi tiết bằng gỗ.
Trong 23 năm xây dựng (từ 1875-1898), những công nhân, kỹ sư Việt Nam và Pháp đã kết hợp tài tình giữa kiến trúc đạo Phật phương Đông và Thiên chúa giáo phương Tây. Những chi tiết như tượng Thánh ngự trên đài sen, như hình ảnh Đức Phật ngự trên đài sen, hàng cột gỗ lim nguyên khối chạm trổ tinh xảo cao 11m, nặng 10 tấn trong khu nhà thờ lớn, bàn thờ làm từ phiến đá nguyên khối nặng 20 tấn khắc hình hoa lá bốn mùa, hang đá nhân tạo… đã biến nhà thờ đá Phát Diệm trở thành công trình có kiến trúc vào loại độc đáo nhất thế giới, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Nhật Bản. Đây cũng là công trình Công giáo hiếm hoi ở Việt Nam đang được lập hồ sơ trình lên UNESCO ghi nhận Di sản văn hóa vật thể của thế giới.
Giáo đường đổ bên cửa biển
Giáo đường đổ bên cửa biển
Mấy năm nay, du khách đổ xô về vùng biển Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định không phải tắm biển, mua hải sản mà mục đích chính để check-in cùng khu Nhà thờ đổ. Người dân địa phương cho biết cơn bão năm 2005 đã tàn phá, xóa sổ các làng chài Xương Điền, Văn Lý của xã Hải Lý. Liền các năm sau đó, do nước biển xâm thực, khu Nhà thờ Trái tim đã bị sóng đánh, ngập nước lâu ngày. Sau những tác động xấu của địa lý thời tiết, Nhà thờ Trái tim đã bị vỡ chỉ còn giữ được bộ khung tường bên ngoài, nền móng hòa lẫn cát biển. Từ đó, giáo đường này bị bỏ hoang, người dân thường gọi là nhà thờ đổ.
Ngược dòng lịch sử, nhà thờ Trái tim được giáo dân xứ Xương Điền xây dựng từ năm 1927. Khu giáo đường sừng sững ngay bên chân sóng với tháp chuông được ví như ngọn hải đăng để thuyền bè biết đường vào bờ sau mỗi chuyến ra khơi. Giờ đây chỉ còn khối khung nhà thờ với những viên gạch cổ loang lổ, cùng những lớp vôi vữa bị bong chóc. Chính quyền địa phương đã cho xây một vành đai đê bao xung quanh mặt trước nhà thờ để bảo vệ dấu tích kiến trúc hoang phế. Du khách đến đây tham quan, thích thú chụp ảnh với nhà thờ đổ, kết hợp trải nghiệm cuộc sống của ngư dân làng chài.
Cẩm nang cho du khách Ở nước ta hiện nay có hàng ngàn giáo đường với những nét kiến trúc độc đáo, khác nhau. Chúng tôi xin giới thiệu thêm 1 số giáo đường đẹp, ấn tượng để du khách có dịp ghé thăm. - Vương cung thánh đường Sở Kiện, thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam. - Giáo đường Phú Nhai, xã Xuân Phương, Xuân Trường, Nam Định. - Nhà thờ chính tòa Kom Tum (nhà thờ Gỗ), số 13 đường Nguyễn Huệ, Thống Nhất, TP Kon Tum. - Nhà thờ Con gà, số 15 đường Trần Phú, TP Đà Lạt, Lâm Đồng. - Nhà thờ Núi, số 1 đường Thái Nguyên, Phước Tân, TP Nha Trang, Khánh Hòa. -Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Bến Nghé, quận 1, TPHCM. |