Theo ước tính của BP Plc., trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam vào khoảng 4,4 tỷ thùng – cao thứ hai ở Đông Á và chỉ đứng sau Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) cho biết Việt Nam sẽ duy trì được sản lượng ở mức 340.000 thùng/ngày như hiện nay trong một vài năm tới.
Theo số liệu từ BP Plc., năm ngoái, sản lượng dầu trung bình của Việt Nam đã tăng 10%, lên 348.000 thùng/ngày – cao nhất kể từ năm 2006. Ước tính của BP cho thấy Việt Nam có trữ lượng dầu mỏ vào khoảng 4,4 tỷ thùng – cao thứ hai ở Đông Á và chỉ đứng sau Trung Quốc.
Ông Lê Ngọc Sơn – trưởng ban khai thác dầu và khí của PetroVietnam – cho biết khoảng 40% sản lượng dầu đến từ các mỏ được vận hành bởi liên doanh Vietsovpetro. Đây là liên doanh giữa PetroVietnam và OAO Zarubezhneft (công ty đến từ nước Nga). Liên doanh này cũng đang khai thác tại mỏ dầu lâu đời nhất Việt Nam là mỏ Bạch Hổ (vốn đã hoạt động kể từ năm 1986).
Phát biểu trong một cuộc hội thảo ngành được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Sơn cho biết duy trì hoạt động sản xuất ở mức ổn định chính là mục tiêu then chốt. “Trước tiên, chúng tôi cần đưa các mỏ mới vào hoạt động để tăng sản lượng. Sau đó, chúng tôi phải tìm ra cách để thúc đẩy nhân tố phục hồi bằng cách khoan thêm các giếng để cố gắng tìm ra dòng dầu mới từ các mỏ cũ.”
Hồi tháng 10, Soco International Plc (SIA) – công ty có trụ sở tại London và đang khai thác tại mỏ Tê Giác Trắng – cũng cho biết sản lượng trung bình của 10 tháng đầu năm của mỏ này vào khoảng 45.132 thùng/ngày. Một giếng thăm dò ở mỏ Tê Giác Trắng cũng cho sản lượng vào khoảng hơn 27.600 thùng/ngày.
Trong một thông báo gửi các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, Ed Story – CEO của Soco – miêu tả đây là “một trong những giếng dầu có sản lượng cao nhất từng được kiểm tra ở Việt Nam”. Giếng này càng giúp tăng thêm khả năng mỏ Tê Giác Trắng có thể đem lại trữ lượng 1 tỷ thùng dầu.
Sản lượng dầu của Việt Nam đến từ các mỏ ở biển Đông. Ông Sơn nhận định các mỏ được phát hiện gần đây có xu hướng nhỏ hơn và nằm ở các vỉa dầu với điều kiện địa lý và địa chất phức tạp hơn cũng như ở những vùng nước khó tiếp cận hơn.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, David Thompson – phó chủ tịch của công ty nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie, không ai thực sự biết được liệu có thể tìm thấy dầu và khí ở những vùng nước sâu hơn hay không. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì những vùng nước sâu sẽ mang lại nhiều điều thú vị trong tương lai. Nếu muốn tăng sản lượng, Việt Nam cần triển khai nhiều hoạt động thăm dò ở các vùng nước sâu.