“Năm 2017, có 68% dân số Việt Nam trong độ tuổi từ 15-64 (độ tuổi hoạt động kinh tế) tương đương khoảng 65 triệu người.
Đến giai đoạn 2034-2039, con số này sẽ lên đến cực đại, với khoảng 72 triệu người. Đây là dư lợi lớn của dân số vàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.”
Thông tin này được giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội chia sẻ tại Chương trình Tập huấn cung cấp nội dung theo Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới cho các phóng viên báo chí, cộng tác viên dân số, tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/10.
Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam bắt đầu từ năm 2006 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2042. Như vậy, Việt Nam có 36 năm ở trong tình trạng dân số vàng và cần tận dụng lợi thế này để phát triển kinh tế, xã hội.
Thực tế các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có sự phát triển thần kỳ trong thời kỳ dân số vàng.
Đặc biệt, trong 68% dân số ở độ tuổi hoạt động kinh tế của Việt Nam giai đoạn này có hơn một nửa dưới 34 tuổi, rất thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, cơ cấu dân số vàng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần giải quyết như tốc độ tăng nhanh của số dân trong độ tuổi lao động sẽ có thể trở thành gánh nặng cho xã hội nếu như tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp.
Trong khi đó, ở Việt Nam thời điểm này, lực lượng lao động đông về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, thiếu lao động có tay nghề, năng suất lao động thấp, kỷ luật lao động không chặt chẽ.
Bên cạnh đó, dù tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến tình trạng thiếu việc làm cho lao động nông thôn.
Điều này khiến tình trạng thanh niên di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng nhiều nhưng các chính sách lao động, việc làm và dịch vụ xã hội chưa được điều chỉnh kịp thời.
“Chúng ta cần trả lời 3 câu hỏi: Bao nhiêu người trong độ tuổi hoạt động kinh tế có khả năng làm việc? Bao nhiêu phần trăm người có khả năng làm việc có việc làm? Và bao nhiêu phần trăm người có việc làm, làm việc với năng suất, thu nhập cao? Từ đó chúng ta mới có được các chính sách phù hợp, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng đang có,” giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Cử nhận định.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-giáo dục thuộc Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, cho rằng một vấn đề khác Việt Nam đang phải đối mặt trong tình hình mới là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, ở mức nghiêm trọng.
Nếu năm 2006, tỷ lệ giữa trẻ em trai và trẻ em gái là 108,6/100, đến năm 2016 đã chênh lệch 112 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Điều này khiến Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050.
Do đó, theo bà Hồng, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác truyền thông cũng như thực thi nghiêm các chính sách, chương trình can thiệp, đặc biệt là nghiêm cấm mọi hành vi lựa chọn giới tính thai nhi tại cơ sở y tế công lập và tư nhân.