Trong các ngày 28-29-30/03/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến làm việc tại Bắc Kinh và Thượng Hải, Trung Quốc.
Nội dung chuyến đi nhằm tìm hiểu, nghiên cứu một số kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao, xây dựng và phát triển mô hình khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế...
Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi, làm việc với ông Trịnh San Khiết, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) và ông Vụ Hạo, Phó chủ nhiệm NDRC.
Hai bên cùng trao đổi kinh nghiệm trong việc định hướng, trọng tâm phát triển đất nước của Trung Quốc với một số nội dung: Hiện đại hoá kiểu Trung Quốc; Chia sẻ thịnh vượng chung; Chiến lược tuần hoàn kép (gồm vòng tuần hoàn bên ngoài là kết nối kinh tế Trung Quốc với thế giới, vòng tuần hoàn bên trong là thúc đẩy sản xuất và nhu cầu trong nước); mô hình “khu vực công nghiệp hóa kiểu mới quốc gia”; Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ “công nghệ cao mới” SRDI (chuyên biệt, cải tiến, khác biệt, đổi mới); Phát triển kinh tế Số, trí tuệ nhân tạo, Xanh hóa và phát triển các ngành kinh tế mới nổi… và kinh nghiệm về quản lý doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các lãnh đạo NDRC cũng thảo luận nhằm triển khai hiệu quả “Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc” hướng tới những kết quả cụ thể, nhất là những nội dung về “Hợp tác thực chất sâu sắc hơn” đã được Lãnh đạo hai nước thống nhất.
Về kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với sáng kiến Vành đai và con đường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc phối hợp nghiên cứu, xây dựng Báo cáo chung về mở rộng phạm vi hợp tác Hai hành lang, Một vành đai tới thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc (hiện nay phạm vi hợp tác chỉ đến Côn Minh và Nam Ninh). Trong đó, hai bên cần đánh giá kết quả hợp tác Hai hành lang, Một vành đai giai đoạn 2016-2023 và bối cảnh hợp tác với cơ hội và thách thức mới.
Trung Quốc sở hữu chiều dài đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, trong đó các trục chính gồm 4 tuyến dọc, 4 tuyến ngang, tốc độ khoảng 250-350 km/h. Mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đã lên tới gần 50.000 km đi qua 93% số thành phố trên 500.000 dân.
Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến phát triển hạ tầng giao thông. Đây là một trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam trong chiến lược phát triển đất nước. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc (tổng số đường bộ cao tốc của Việt Nam đến thời điểm hiện nay đạt khoảng 1.900 km. Chỉ trong 3 năm, Việt Nam đã hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây. Dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng hơn 3.000 km đường cao tốc và 5.000 km vào năm 2030), đường sắt đô thị và đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới. Vì vậy, Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm về hình thành và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, nhất là về phương diện công nghệ, kỹ thuật, huy động nguồn lực tài chính và kỹ năng quản lý.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại việc lãnh đạo cấp cao 2 nước đã thống nhất hai bên cần đẩy nhanh kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng vào thời điểm phù hợp. Hiện nay, Trung Quốc đã cung cấp viện trợ không hoàn lại và giúp Việt Nam lập quy hoạch Tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Bộ Giao vận tải Việt Nam đang xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án này.
Cùng với đó, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, nghiên cứu hợp tác những dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, hiện đại, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi, làm việc với Cục trưởng Cục đường sắt Trung Quốc Phí Đông Bân và Phó Cục trưởng Lộc An Sinh.
Hai bên cùng trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, cách thức nghiên cứu khả thi dự án đường sắt, huy động nguồn lực, phát triển công nghiệp đường sắt, đào tạo nguồn nhân lực...
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm việc với Tập đoàn Toa xe Trung Quốc (CRRC). Tại đây, hai bên đã trao đổi nhiều kinh nghiệm về công nghệ tàu khách tốc độ cao, công nghệ thông tin tín hiệu, thiết kế đoàn tàu khách mà Trung Quốc đang sử dụng, giá thành các đoàn tàu khách, hệ thống tín hiệu...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; Phối hợp với Bộ Giao thông-Vận tải chủ động xây dựng phương án hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài để huy động nguồn vốn phù hợp cho dự án; Cân đối bố trí kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm đáp ứng nhu cầu triển khai dự án.