Vinatex khó IPO cuối năm

Hiện thị trường chứng khoán vẫn ảm đạm, nên việc triển khai các đợt IPO không dễ thành công, nhất là với các doanh nghiệp quy mô lớn, đòi hỏi sức cầu cao của thị trường.

Hiện thị trường chứng khoán vẫn ảm đạm, nên việc triển khai các đợt IPO không dễ thành công, nhất là với các doanh nghiệp quy mô lớn, đòi hỏi sức cầu cao của thị trường.

Nhanh thì cũng phải tới giữa năm 2013, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mới có thể công bố giá trị doanh nghiệp và tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Tại cuộc họp tổng kết kế hoạch sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012, đại diện Vinatex cho biết, Tập đoàn đang khẩn trương hoàn thiện quá trình cổ phần hóa Tập đoàn và các đơn vị còn lại vào cuối năm 2012.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn gặp không ít khó khăn, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex quả quyết, việc cổ phần hóa Công ty mẹ là Vinatex sẽ diễn ra theo đúng dự tính.

Theo Vinatex, cho tới thời điểm này, hơn 80% đơn vị thành viên của Tập đoàn đã hoàn tất công tác cổ phần hóa. Đặc biệt, sau cổ phần hóa, một số doanh nghiệp thành viên Vinatex đạt kết quả kinh doanh tốt.

Đơn cử, năm 2011, Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè đặt mục tiêu chia tỷ lệ cổ tức từ 18% đến 25% và đạt mức lợi nhuận trước thuế 65 tỷ đồng. Hiện chỉ còn 4 công ty TNHH một thành viên và một số đơn vị trực thuộc Vinatex đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp và làm các thủ tục cần thiết để tiến hành cổ phần hóa đồng thời với công ty mẹ.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công thương, Vinatex sẽ khó hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2012, bởi Vinatex vừa gửi văn bản lên Bộ Công thương đề nghị lựa chọn đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp. Theo đó, có 5 đơn vị được Vinatex đệ trình đang chờ Ban chỉ đạo Cổ phần hóa của Bộ Công thương phê duyệt.

Báo cáo của Vinatex cho thấy, trong quá trình cổ phần hóa, một số đơn vị thành viên đã gặp không ít khó khăn khi chọn lựa cổ đông chiến lược nước ngoài, vì đối tác không chấp nhận mua cổ phần theo giá đấu bình quân.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế từ nay đến cuối năm còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất lợi, không phải doanh nghiệp thành viên nào cũng chia cổ tức ở mức hấp dẫn nhà đầu tư. Lượng người mua thấp, khó đạt được giá bán theo mức kỳ vọng, nếu tìm được cổ đông chiến lược thì họ cũng đòi mua với giá thấp… sẽ là chướng ngại vật không nhỏ đối với việc cổ phần hoá Vinatex.

Trên thực tế, dù kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt tới 14 tỷ USD, nhưng những năm qua, các doanh nghiệp dệt may vẫn đang tập trung khai thác lợi thế ở công đoạn cuối cùng, tức là sản xuất gia công, với tỷ suất lợi nhuận thấp nhất. Lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao là sợi, dệt, nhuộm lại là khâu đang yếu nhất của ngành, với 65% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu. Đây là một trong những điều làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu ngành dệt may.

Năm 2012, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD, nhưng 6 tháng đầu năm vẫn chưa đạt được 50% kế hoạch. Như vậy, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề, khi tổng cầu hàng dệt may tại các thị trường lớn chưa có dấu hiệu tăng lên.

Riêng Vinatex, dù có nhiều doanh nghiệp thành viên có năng lực sản xuất lớn, nhưng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng mới đạt 48% kế hoạch năm, tương ứng 1,26 tỷ USD.

Dẫu vậy, so với các ngành dầu khí, khai khoáng, thủy sản, đồ uống…, thì dệt may vẫn có sức hấp dẫn riêng. Và IPO của doanh nghiệp lớn như Vinatex vẫn là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm và chờ đợi của không ít nhà đầu tư, cả nội lẫn ngoại, trên sàn chứng khoán.

Các tin khác