Theo thống kê, trong tháng 8, NĐTNN đã bán ròng hơn 1.400 tỷ đồng trên cả 2 sàn, giảm đáng kể so với mức bán ròng tới 2.400 tỷ đồng trong tháng 7. Điều đó đã giúp giảm bớt áp lực bán ra trên thị trường, tạo điều kiện cho VN Index hồi phục 3,5% trong tháng.
Mặc dù xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều CP lớn đã chuyển từ bán ròng sang mua ròng trong tháng 8, đặc biệt là các CP hàng tiêu dùng MSN (Masan) mua ròng 286 tỷ đồng, VJC (Vietjet Air) 237 tỷ đồng và HPG (Hòa Phát) 206 tỷ đồng.
Trong khi đó, VIC (Vingroup) vẫn dẫn đầu về lượng bán ròng với 1.330 tỷ đồng. Kế đến là VNM (Vinamilk) 1.064 tỷ đồng và VHM (Vinhomes) 514 tỷ đồng. Tuy vậy, các quỹ ETF nội vẫn thu hút khá tốt dòng vốn ngoại. Đơn cử là chứng chỉ quỹ VFMVN30 được khối ngoại mua ròng 102 tỷ đồng trong tháng 7 và 220 tỷ đồng trong tháng 8.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), dù VN Index đã hồi phục tốt trong tháng 8, nhưng dòng tiền không tăng mạnh mà chủ yếu được điều tiết và luân chuyển khéo léo giữa các nhóm ngành để hỗ trợ thị trường đi lên. Do vậy, rất khó để thị trường có thể đi xa hơn nữa nếu không có sự đột biến về dòng tiền, thậm chí thị trường rất dễ bị tổn thương nếu gặp áp lực bán mạnh.
Trong bối cảnh đó, thị trường sẽ phải trông chờ vào khối ngoại. Nhiều khả năng, dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại trong những tháng cuối năm.
Quay lại với diễn biến của VN Index, nếu chỉ nhìn vào điểm số của các chỉ số thì thị trường đã có một tháng 8 tích cực với các chỉ số tăng điểm. Tuy vậy, mức tăng này không phản ánh diễn biến chung của thị trường khi mà các CP vốn hóa lớn thay phiên nhau hỗ trợ chỉ số.
Phần đông NĐT ở trạng thái lưỡng lự tìm kiếm các tín hiệu xác định sự hồi phục thực sự khi mà VN Index hướng dần đến mốc 1.000 điểm. Điều này khiến sự nhiệt tình tham gia thị trường của các NĐT trong nước khá thấp, trong khi khối ngoại bán ròng 200 tỷ đồng trên HOSE. Thanh khoản của TTCK cơ sở đã có sự cải thiện mạnh (tăng 40% so với tháng trước), song vẫn khá thấp so với mức bình quân giai đoạn đầu năm. Trong bối cảnh này, nếu thanh khoản có thể duy trì ở mức hiện tại hoặc cao hơn 4.000 tỷ đồng/phiên sẽ là một kịch bản không tồi.
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), VN Index nhiều khả năng sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự 983-986 điểm trong tuần này. Tại đây, thị trường có thể hình thành nhịp dao động tích lũy để tạo nền giá mới trước khi phát đi tín hiệu đi lên rõ nét hơn.
Về khả năng tái lập mốc 1.000 điểm, giới phân tích cho rằng, cho đến khi có sự đảo chiều của dòng vốn ngoại cũng như cải thiện hơn về thanh khoản thì VN Index sẽ dao động trong khoảng 960-1.040 điểm. Trong biên độ này, nhóm CP vốn hóa trung bình và nhỏ sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn so với nhóm CP vốn hóa lớn.