NĐT bước vào phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 với tâm trạng kém vui sau hàng loạt thông tin tiêu cực từ thị trường tài chính quốc tế như: First Republic Bank phá sản, Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ, Fed tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp.
Tương tự TTCK toàn cầu, NĐT trong nước gia tăng áp lực cung ngay từ những phút đầu tiên khiến cho VN Index rơi vào trạng thái mất điểm ngay sau đợt khớp lệnh ATO. Càng về cuối, lệnh bán ra càng được đẩy lên mạnh hơn, đặc biệt là áp lực bán tháo từ nhóm CP nhà băng.
Việc nhóm CP có vốn hóa lớn nhất thị trường bị bán mạnh khiến cho VN Index gần như rơi tự do trong phiên chiều. Kết phiên hôm nay 4-5, chỉ số này giảm 8,51 điểm (tương đương 0,81%) xuống 1.040.61 điểm.
VN Index dù giảm điểm mạnh nhưng độ rộng giữa các mã tăng/giảm không quá chênh lệch. Cụ thể, toàn sàn HoSE có 247 mã giảm, nhưng chỉ có 3 mã sàn, trong khi số mã tăng là 143, nhưng có đến 10 mã trần.
Bên rổ VN30, chênh lệch tăng/giảm khá rõ nét với 21 mã giảm so với 6 mã tăng và 3 mã đứng giá là HDB, PLX và VHM.
Thống kê, nhóm CP tác động tiêu cực lên chỉ số trong phiên hôm nay gồm có các mã ngân hàng như: CTG, MBB, STB, TCB, VCB, VIB, TPB, VPB… Kế đến là nhóm CP trụ như VNM, VJC, VIC, SAB, MWG, MSN, HPG, GAS.
Phía ngược lại, VN Index nhận được lực đỡ từ các mã như FPT, SSI, BVH, ACB, GVR… Đóng góp tích cực cho chỉ số còn có 10 mã tăng kịch trần là DAG, AGR, HU1, VIX, DHG, PSH, FIT, DBT, ELC và ABR.
Điểm tích cực của phiên hôm nay là thanh khoản sàn HoSE vẫn giữ được trên mốc 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, có 625,8 triệu CP khớp lệnh thành công, tương đương giá trị giao dịch đạt 10.495 tỷ đồng. Trên cả 3 sàn, tổng giá trị giao dịch đạt 11.020 tỷ đồng.
Trái ngược với sàn HoSE, chỉ số CK của sàn HNX lại nhận được lực đỡ nhóm CP có vốn hóa lớn. Chính vì vậy, dù số mã giảm lớn hơn (94 mã giảm với 78 mã tăng) nhưng HNX Index này vẫn kết phiên với số điểm xanh là 0,68 điểm (0,33%).