Trước phiên hôm nay, nhà đầu tư đón nhận thông tin UBCKNN nhận được tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu của Công ty cổ phần Vinhomes. Đây là "cửa ải" quan trọng để Vinhomes đến gần hơn với việc thực hiện thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán.
Cụ thể, theo kế hoạch được cổ đông thông qua, Vinhomes sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền dự chi để mua lại số cổ phiếu này ước tính lên đến 13.000 tỷ đồng.
Thông tin này giúp cho VHM trở thành tâm điểm của dòng tiền. Ngay khi thị trường mở cửa, lệnh mua VHM ào ạt đẩy lên bảng điện giúp mã cổ phiếu này tăng vọt lên gần sát mức giá trần 46.650 đồng.
Sắc xanh của VHM đã tạo nên sự sôi động cho cả thị trường khi bảng điện HoSE tràn ngập trong sắc xanh tăng giá. Giao dịch trong sự hưng phấn của nhà đầu tư, VN Index cũng bật mạnh lên sát mốc 1.300 điểm.
Tuy nhiên, sự lạc quan này chỉ duy trì trong thời gian đầu khi bên mua ở thế “thượng phong”. Ở những phút sau đó, nguồn cung giá rẻ bất ngờ tăng nhiệt khiến cho bảng điện dần chuyển sang sắc đỏ.
Càng về cuối phiên, áp lực bán càng tăng khiến VN Index không duy trì được đà tăng. Kết phiên, chỉ số này giảm 2 điểm xuống còn 1.286,3 điểm.
Toàn sàn HoSE có 222 mã giảm 146 mã tăng và 69 mã đi ngang. Dù số mã giảm chiếm áp đảo, nhưng số mã tăng trần lên đến 8 mã, trong khi số mã giảm sàn chỉ duy nhất mã HHS.
Đáng chú ý, mã có liên quan vời HHS là TCH cũng giảm về gần mức giá sàn sau thông tin Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ, tài liệu sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định đối với 3 dự án tại Hà Nội có liên quan đến Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (TCH).
Thị trường bất ngờ chuyển xấu cũng khiến đà tăng của VHM bị giảm tốc. Kết phiên, mã này chỉ tăng 4% và đóng góp gần 2,3 điểm tăng cho chỉ số. Chiều ngược lại, VN Index chịu tác động tiêu cực từ các mã như FPT, HPG, MWG, MSN, VNM, EIB, CTG.
Áp lực bán tháo phiên hôm nay có một phần nguồn cung từ khối ngoại. Theo thống kê, nhà đầu tư ngoại bán ròng 615 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trong đó, nhóm cổ phiếu bị bán mạnh nhất là FPT (-180 tỷ đồng), EIB (-97 tỷ đồng), VPB (-86 tỷ đồng), HPG (-60 tỷ đồng), STB (-52 tỷ đồng).